“Hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể sụp đổ vì tín dụng đen”

(Dân trí) - Đây chính là cảnh báo của nhà phân tích chiến lược David Cui của ngân hàng Bank of America. Theo đó nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc khiến các vụ vỡ nợ tín dụng “đen” tăng lên thì hệ thống ngân hàng nước này khó đứng vững.

Với quy mô cho vay lên tới 2.200 tỷ USD, chiếm tới 25% lượng tín dụng của toàn bộ các ngân hàng hợp pháp, nhưng mạng lưới tín dụng “đen” ở Trung Quốc vẫn hoạt động ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Mạng lưới này bao gồm các cửa hiệu cầm đồ, các ngân hàng phi pháp, nhiều loại hình quản lý tài sản, các công ty ủy thác đầu tư và các nhà bảo lãnh. Nhiều tổ chức trong số này không hề nhận tiền gửi để bảo đảm cho hoạt động cho vay.

Tín dụng đen là vấn đề trầm trọng của kinh tế Trung Quốc
Tín dụng đen là vấn đề trầm trọng của kinh tế Trung Quốc

Ngoài ra, theo bản báo cáo của nhà phân tích chiến lược David Cui, ngân hàng Mỹ Bank of America, bản thân hệ thống tín dụng “đen” này của Trung Quốc cũng luôn sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao. Hầu hết số vốn họ có để cho vay là tiền đi vay từ các ngân hàng với lãi suất thấp để đem cho vay những đối tượng rủi ro cao kiếm lời.

Việc các tổ chức cho vay phi pháp này không hệ huy động tiền gửi có nghĩa là họ sẽ rất dễ chịu hậu quả nếu các khoản cho vay không được hoàn trả. Trong khi đó bản thân những khách hàng vay vốn “đen” đều là những người ít đáng tin cậy.

Theo ông David Cui, dẫn đầu trong mạng lưới tín dụng “đen” Trung Quốc là các công ty ủy thác đầu tư. Một mặt các công ty này nhận tiền từ các khách hàng để cho vay đủ loại dự án kinh doanh hoặc cho vay bất động sản (BĐS), mặt khác họ lại đứng ra đảm bảo cho các nhà đầu tư về mức sinh lời.

Những năm gần đây loại hình ủy thác đầu tư đã phát triển bùng nổ tại Trung Quốc. Nếu như năm 2007 ngành này quản lý khoảng 1000 tỷ nhân dân tệ (NDT) thì đến năm 2011, con số này lên tới 4800 tỷ NDT, tức là tăng gần 5 lần chỉ sau 5 năm.

Ông David Cui cho biết, nhóm nghiên cứu của ông tại Bank of America “đã nhận thấy từ sớm những dấu hiệu căng thẳng trong hệ thống này, thể hiện qua việc có ít nhất 3 công ty tín thác đầu tư BĐS đã không thể trả nợ đúng án và phải được giải cứu”. Ngoài ra ông cũng ước tính tỷ lệ sử dụng đòn bẩy trong các tổ chức tín thác “rất cao, thường từ 10 tới 15 lần”.

Nếu giá BĐS và các khoản đầu tư khác lao dốc, trong khi các quỹ này lại cam kết mức lợi nhuận cố định với nhà đầu tư, họ sẽ phải được giải cứu nếu không sẽ vỡ nợ. Hậu quả là hàng nghìn người góp vốn và ủy thác đầu tư lãnh đủ.

Loại hình tín dụng đen thứ hai đó là các tiệm cầm đồ. Trên toàn Trung Quốc có khoảng 4000 tiệm cầm đồ. Họ thường cho vay ngắn hạn và chấp nhận tài sản đảm bảo thuộc đủ mọi hình thức: BĐS, trang sức, cổ phiếu, ôtô…Khi thị trường BĐS lao dốc như hiện nay, hàng nghìn tiệm cầm đồ sẽ khốn đốn bởi các khoản cho vay quá hạn còn tài sản đảm bảo khó xử lý dù giá giảm. “Ví dụ như năm ngoái 7 tiệm cầm đồ ở Ôn Châu đã chịu lỗ lớn trong tháng 7 bởi họ không thể bán kịp các tài sản đảm bảo trong khi chi phí vốn vay tăng cao”, ông Cui viết.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có rất nhiều đơn vị bảo lãnh cho hơn 19.000 doanh nghiệp khác nhau. Những công ty này đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp bị xem là rủi ro, khó vay vốn ngân hàng để các doanh nghiệp này được phép vay vốn.

Vấn đề là ở chỗ các đơn vị bảo lãnh này chỉ được thu mức lãi suất thấp bằng một nửa so với lãi suất của các tiệm cầm đồ. Do đó họ thường có những hoạt động phi pháp để tăng thêm lợi nhuận, mà phổ biến nhất là kiểu “vay ké” từ người được bảo lãnh.

Các công ty bảo lãnh sẽ lấy một phần tiền mà ngân hàng giải ngân cho khách hàng của mình để đem cho vay trên thị trường tín dụng “đen”. Như vậy từ chỗ là người đi bảo lãnh, thực chất các công ty bảo lãnh lại chính là người đi vay từ ngân hàng để cho vay lại các khách hàng rủi ro cao. Và khi thị trường tín dụng đen sụp đổ, người lãnh hậu quả cuối cùng chính là người được bảo lãnh.

Và mối lo này đang trở thành sự thật khi mới đây 2 công ty bảo lãnh là Huading và Chuangfu gặp rắc rối. “Rất nhiều khách hàng của họ bị các ngân hàng kiện vì chậm trả nợ trong khi những người này khẳng định chính các công ty bảo lãnh kia mới là người dùng vốn”, ông Cui viết. “Một số người vay vốn đang đề nghị chính phủ giúp đỡ…đàm phán gia hạn nợ với ngân hàng”.

Loại hình tín dụng đen thứ 4 ở Trung Quốc là hoạt động ngân hàng phi pháp. Hiện tại, nhiều công ty bị các ngân hàng từ chối cho vay ở Trung Quốc đang vận dụng một thủ thuật đó là thư tín dụng (thường gọi là L/C – một hình thức theo đó ngân hàng cam kết trả tiền cho người bán thay cho người mua, sau đó thu tiền từ người mua).

Khác với cho vay, về mặt kế toán L/C là các khoản ngoại bảng, không làm tăng tỷ lệ đòn bẩy trên bảng cân đối kế toán và không bị chi phối bởi các quy định về hạn mức cho vay. Các công ty sẽ mang đồng hoặc các kim loại khác thế chấp cho các ngân hàng để được phát hành L/C.

Với L/C này, các công ty đem đi mua đồng/hàng hóa khác và sau đó sử dụng chính các hàng hóa này làm tài sản đảm bảo để quay lại vay tiền từ ngân hàng. Số tiền vay được họ đem cho vay “nóng”, hưởng lãi suất cao. Vài tháng sau, khi đến hạn phải thanh toán L/C, các công ty này đòi tiền đã cho vay “nóng” về để hoàn trả ngân hàng.

Theo chuyên gia của Bank of America, thủ thuật này trên thị trường thép có rủi ro rất cao bởi “các kho hàng địa phương thường cung cấp cho các công ty nhiều hóa đơn khác nhau để giúp cho họ có thể đem cùng một lượng sắt thép duy nhất đi thế chấp vay vốn tại nhiều ngân hàng”. Rõ ràng có thể thấy việc sử dụng đòn bẩy tài chính ở Trung Quốc đang tràn lan dưới nhiều hình thức và rất khó định lượng.

Nhưng vẫn còn một hình thức nữa được chuyên gia David Cui đề cấp đó là việc các ngân hàng tung ra sản phẩm quản lý tài sản để huy động từ khách hàng đem đầu tư. Khi thua lỗ, họ lại huy động của người khác để trả cho người trước đó.

“Theo một số người trong ngành, một số ngân hàng đã sử dụng các sản phẩm quản lý tài sản mới để che giấu bớt phần lỗ từ các sản phẩm trước đó. Theo quan điểm của tôi nó về cơ bản không khác cơ cấu vay vốn Ponzi. Tuy nhiên rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào khi không còn người mua các sản phẩm quản lý tài sản”, chuyên gia của Bank of America nhận định.

Với quy mô khổng lồ cũng như vai trò đối với việc cấp tín dụng trong nền kinh tế, mạng lưới tín dụng “đen” tại Trung Quốc đang cho thấy những lỗ hổng lớn của ngành ngân hàng nước này. Một khi có những đổ vỡ trên thị trường tín dụng “đen” khiến không ai còn có khả năng hoàn trả nợ, Trung Quốc sẽ phải đối diện với những vấn đề thực sự nghiêm trọng.

Thanh Tùng
Theo Business Insider