Trung Quốc đang đối diện nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn diện?
(Dân trí) - Chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức, các khoản đầu tư không hiệu quả kích thích bong bóng kinh tế, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, sản xuất lao dốc…Trung Quốc đang bắt đầu hứng chịu hậu quả nặng nề từ chính bóng bóng tăng trưởng mình tạo ra.
Sau liên tiếp nhiều thập kỷ tăng trưởng “nóng” với tốc độ cao, kinh tế Trung Quốc đang ngày càng bộc lộ nhiều bất ổn và có nguy cơ lâm vào khủng hoảng. Đâu là nguyên nhân cho sự đi xuống chóng mặt này?
1. Sự giận dữ và nóng vội của ngân hàng trung ương (NHTW)
Nếu muốn biết tình hình kinh tế Trung Quốc đã xấu đến mức nào, chúng ta chỉ cần nhìn vào những phản ứng của NHTW nước này. Gần đây Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) tỏ ra khá giận dữ và nóng vội. Ngày 5/7, cơ quan này đã có đợt cắt giảm lãi suất cơ bản lần thứ 2 chỉ trong vòng 1 tháng.
Quyết định này được đưa ra ngay sau khi PBOC liên tục hạ dự trữ bắt buộc 0,5% hồi tháng 12/2011, 0,5% hồi tháng 2 và thêm 0,5% nữa vào tháng 5. Không chỉ hạ lãi suất điều hành, tuần trước, PBOC còn có đợt “bơm tiền” lớn nhất ra thị trường tiền tệ trong vòng 6 tháng với khối lượng 225 tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương 34,5 tỷ USD. Trong vòng 4 tuần trước đó cơ quan này cũng đã đưa vào lưu thông 291 tỷ NDT.
Vì sao PBOC lại hối hả “bơm” thanh khoản ra nhanh và nhiều đến vậy? Có lẽ không cần thiết phải đưa ra thêm những dữ liệu về sự khó khăn của kinh tế Trung Quốc, vốn tràn ngập các mặt báo. Dù mục tiêu của PBOC có cao tới đâu, thì các quyết sách của cơ quan này đơn thuần chỉ như miếng băng gạc, cầm máu tạm thời nền kinh tế đang rỉ máu. Nhưng họ sẽ chẳng thể giúp nó lành lại.
Điều lớn nhất mà những chính sách hỗ trợ thanh khoản ồ ạt mà PBOC tung ra chỉ là duy trì một nền kinh tế vốn đã được kích thích quá mức và tránh được sự đổ vỡ đối với hệ thống tín dụng.
Các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc, những nhà tài trợ chính cho các khoản vay, giờ đang lâm vào cảnh “đói khát” tiền mặt. Theo ước tính của Citigroup, trong năm 2011, 7 trong số những ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã huy động mới 323,8 tỷ NDT (khoảng 51,4 tỷ USD). Đây chính là hệ quả của việc tăng trưởng tín dụng chóng mặt trong khi theo quy định mới của PBOC, các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ vốn/tổng tài sản tối thiểu 11,5% trong năm 2013.
Tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 cũng được nâng lên 9,5%, cao hơn cả quy định hiện tại mà các ngân hàng Mỹ và châu Âu phải tuân theo. Chính vì vậy không có gì ngạc nhiên khi các ngân hàng Trung Quốc đang thèm khát tiền mặt. Và khi không thể huy động họ chỉ còn biết trông chờ vào PBOC. Thế nhưng NHTW cũng không thể tạo ra phép màu ngoại trừ những chính sách theo kiểu “cấp cứu” một khi nền kinh tế đổ vỡ.
2. Nền kinh tế dựa quá lớn vào đòn bẩy và những bong bóng bất ổn
Theo dữ liệu của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, tỷ lệ vốn tín dụng/GDP tại Trung Quốc đã tăng từ mức 124% cuối năm 2007 lên 174% cuối năm 2010 và còn tăng thêm 5 điểm % nữa, lên 179% chỉ 1 năm sau đó. Trong năm 2012, tăng trưởng tín dụng có chậm lại nhưng vẫn vượt xa tốc độ tăng GDP.
Rõ ràng Trung Quốc không gặp khủng hoảng thanh khoản mà là vấn đề với hiệu quả sử dụng vốn tín dụng kém. Cũng theo Fitch, trong năm 2012, mỗi NDT vốn tín dụng mới tạo ra 0,39 NDT GDP, thấp hơn nhiều mức 0,73 NDT trước khủng hoảng. Lẽ ra tỷ suất sinh lời phải đạt trên 0,5 NDT thì tỷ lệ vốn tín dụng/GDP mới ổn định ở mức 179%.
Hậu quả là các doanh nghiệp sẽ cần vay vốn ngày càng nhiều hơn để tạo ra cùng mức lợi nhuận cũ. Do vậy mức độ nợ nần trong nền kinh tế càng lên cao, dẫn đến khả năng trả nợ của ngày một thấp đi và cuối cùng là nguy cơ vỡ nợ, phá sản mỗi lúc một lớn.
Đến một thời điểm, khi số lượng doanh nghiệp phá sản lên quá cao, nó sẽ kích hoạt một vòng xoáy giảm giá đối với tài sản đảm bảo đồng thời đẩy tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng tăng vọt. Lúc này, hệ thống ngân hàng vốn đã đuối sức sẽ sụp đổ, gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện.
Và rõ ràng đang có những quân domino trong chuỗi phản ứng ấy đổ xuống. Vấn đề chỉ là khi nào thời điểm bước ngoặt đó sẽ tới. Những gì PBOC đang làm chẳng khác đổ dầu vào lửa bởi họ không thể khắc phục được những điểm yếu gốc rễ của kinh tế Trung Quốc đó là: bong bóng kinh tế và nhu cầu tiêu dùng nội địa sụt giảm.
Bóng bóng kinh tế Trung Quốc lớn cỡ nào? Có lẽ chỉ cần nhìn vào lĩnh vực bất động sản là đủ để thấy mức độ nghiêm trọng. Theo thống kê của ngân hàng Pháp Société Générale, năm 2010 Trung Quốc đã chi hơn 1000 tỷ USD cho lĩnh vực xây dựng, chiếm khoảng 20% GDP danh nghĩa và cao gấp đôi tỷ lệ trung bình của thế giới. Cơn “say” đầu tư xây dựng đã đưa tỷ lệ đầu tư cho xây dựng/GDP lên 48,5%, mức cao chưa từng có tại nước này.
Trong năm đó, lượng xi măng mà Trung Quốc tiêu thụ lên chiếm tới 55% sản lượng xi măng toàn cầu và gấp hơn 25 lần của Mỹ. Tính bình quân lượng xi măng tiêu thụ bình quân đầu người của nước này lên tới 1400 kg/người/năm. Trong khi đó Tây Ban Nha trước thời điểm bong bóng nhà đất nổ tung cũng chỉ có mức tiêu thụ xi măng 1300 kg/người/năm. Sau khủng hoảng mức tiêu thụ này của TBN chỉ còn 500 kg/người/năm.
Đã có tổng cộng khoảng 1,8 tỷ m2 nhà ở được xây dựng mới trong năm 2010, đủ chỗ cho 60 triệu người trong khi lượng dân đô thị chỉ tăng 20 triệu người. Nếu cứ duy trì tốc độ xây dựng đó, chỉ trong 5 năm tới Trung Quốc sẽ có 9 tỷ m2 nhà ở mới, và đủ chỗ cho thêm 300 triệu người vào năm 2015. Trong khi đó theo dự báo của IMF, phải tới năm 2030, tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc mới đạt đến mức độ đó. Hậu quả là ngày càng nhiều thành phố “ma” giống như Ordos ra đời.
Một khi không thể còn dựa vào đầu tư để kích thích tăng trưởng, Trung Quốc quay sang tìm kiếm động lực tăng trưởng từ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Thế nhưng khi các khách hàng lớn là Mỹ và EU chìm trong khó khăn, việc thúc đẩy xuất khẩu là không dễ. Nhất là khi châu Âu đang gồng mình vì nợ nần, đây trở thành thị trường đầy rủi ro.
3. Động lực tăng trưởng: xuất khẩu lao dốc, tiêu dùng ảm đạm
Như vậy lựa chọn duy nhất còn lại của Trung Quốc để duy trì tăng trưởng là tiêu thụ nội địa. Vậy nhưng thị trường 1,3 tỷ dân này nghe có vẻ hứa hẹn nhưng thực tế lại không mấy thuyết phục. Trước hết theo số liệu của Liên hiệp công đoàn toàn Trung Quốc, tỷ lệ lương/GDP của công nhân nước này đã giảm liên tục trong 22 năm suốt từ năm 1983. Bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ tiêu dùng/GDP liên tục giảm. Trong 11 năm qua, tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình chỉ tăng từ 19% lên 22%, thấp hơn cả mức 24% của Ấn Độ.
Năm 2009, trong khi thu ngân sách chính phủ đạt 687,71 tỷ NDT, tăng 11,7% so với năm trước và GDP tăng 8,7%. Trong khi đó thu nhập khả dụng của hộ gia đình tại thành thị và nông thôn chỉ lần lượt là 8,8% và 8,2%. Điều đó có nghĩa là chính phủ và các doanh nghiệp đã nhận được "miếng bánh" lớn hơn từ thu nhập quốc gia trong khi người tiêu dùng suy yếu.
Thứ hai, các doanh nghiệp quốc doanh và các “đại gia” giàu có luôn hưởng lợi lớn trong quá trình phân phối thu nhập. Năm 2010, lợi nhuận ròng của 2 doanh nghiệp trung ương Trung Quốc là China Mobile và Petrol China đã vượt lợi nhuận ròng của 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất gộp lại. Trong khi đó các doanh nghiệp quốc doanh này chỉ đóng góp 30% GDP, tạo ra 20% việc làm so với tỷ lệ lần lượt 70% GDP và 80% việc làm của lĩnh vực tư nhân. Đáng nói hơn các doanh nghiệp quốc doanh đang chiếm tới 55% quỹ lương quốc gia.
Vấn đề lớn nhất của kinh tế Trung Quốc đó là các doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp trung ương và các nhà tư bản giàu có được trao quá nhiều quyền lực trong nền kinh tế và có quá nhiều lợi thế trong việc tạo doanh thu, hưởng thu nhập "khủng". Và sự lớn mạnh của các nhóm lợi ích cũng đồng nghĩa với sức tiêu dùng của người dân giảm sút.
Nếu vấn đề này không được giải quyết GDP Trung Quốc tăng càng nhanh, người tiêu dùng càng ít có khả năng mở rộng năng lực chi tiêu. Và khi ấy Trung Quốc lại phải dựa vào xuất khẩu nhiều hơn để hỗ trợ tăng trưởng. Đó là một cái vòng luẩn quẩn của sự mất cân đối toàn cầu.
Rõ ràng, những bong bóng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ nội địa sụt giảm mới là nguyên nhân gốc rễ hủy hoại kinh tế Trung Quốc. Các chính sách hiện tại của PBOC sẽ không thể giải quyết được 2 vấn đề này ngoại trừ giúp nền kinh tế cầm cự tạm thời.
Nếu không thể giải quyết 2 vấn đề gốc rễ trên, đầu tư cho sản xuất và việc làm sẽ không thể tăng bởi nhu cầu nội địa vẫn yếu và tỷ suất sinh lời trên vốn tín dụng sẽ còn giảm. Nếu những bất ổn về cấu trúc này không được thừa nhận và khắc phục tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn và các động thái cứu thị trường của NHTW sẽ chỉ là vô vọng. Chuỗi domino sẽ đổ ngày càng nhanh và khi ấy Trung Quốc sẽ đối diện với những ngày đen tối của khủng hoảng.
Theo Business Insider