Hé lộ những thông tin mới nhất về triển khai Mobile Money
(Dân trí) - Mobile Money bước đầu có tín hiệu tích cực khi đã có khoảng 1,1 triệu tài khoản đăng ký sử dụng. Dịch vụ này được xem là chất xúc tác đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại hội thảo "Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không tiền mặt" chiều 17/6, ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho biết việc số hóa dịch vụ và tác động từ dịch Covid-19 đã khiến thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế và là ưu tiên của người dùng.
Về mặt con số, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%. Cả nước đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money có gần 660.000 khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Tính đến tháng 4, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với dịch vụ Mobile Money, ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc VNPT, nhìn nhận đây được xem là "cánh tay nối dài" của ngân hàng. Sau 6 tháng triển khai, đã có hơn nửa triệu tài khoản Mobile Money được mở với 2.400 điểm nạp tiền, 2.100 điểm chấp nhận thanh toán dịch vụ, trong đó chủ yếu là dịch vụ thiết yếu như điện, nước, dịch vụ công, học phí…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc NAPAS, đánh giá Mobile Money nói riêng và điện thoại thông minh nói chung là chất xúc tác để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Cũng tại hội thảo, ông Lê Thế Vinh, đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và truyền thông), chia sẻ năm 2022, mục tiêu của Bộ là đưa tất cả hoạt động thanh toán của người dân lên môi trường số, nên dự kiến có hơn 180.000 điểm giao dịch phổ cập đến hơn 100% xã phường trên cả nước.
Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển của thanh toán cũng có những rủi ro, mất an toàn với số lượng phạm tội ngày càng tăng, phương thức phạm tội ngày càng đổi mới, tinh vi hơn, mang tính có tổ chức hơn và gây ra thiệt hại ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo đó, các ngân hàng cần khuyến nghị cho khách hàng và bổ sung các công nghệ mới để phát hiện các gian lận. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã liên tục phát hiện, đưa ra các khuyến cáo. Dẫu vậy, quan trọng nhất vẫn là khách hàng cần nâng cao nhận thức về an toàn thông tin.
Còn theo ông Lê Anh Dũng, để đáp ứng nhu cầu - xu hướng của thanh toán số, ngành ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng thanh toán, hệ thống công nghệ thông tin, triển khai công nghệ mới, giải pháp tiên tiến để thiết kế, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, thanh toán an toàn, thuận tiện, giá cả phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm.
Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, và đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia...