Hé lộ những chi tiết đáng sợ đằng sau sự sụp đổ của FTX

Nhật Linh

(Dân trí) - Trong báo cáo đệ trình lên tòa án phá sản Mỹ ở bang Delaware sáng qua, CEO FTX John Ray III đã tiết lộ những chi tiết đáng sợ đằng sau vụ sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX.

Ông Ray - người vừa tiếp nhận chức CEO mới của FTX sau khi nhà sáng lập Sam Bankman-Fried tuyên bố từ chức - dù không có một từ nào đề cập về tình trạng của công ty cũng như hành vi của đội ngũ điều hành cũ, nhưng ông mô tả đó là một trong những ví dụ tồi tệ nhất về kiểm soát doanh nghiệp mà ông từng chứng kiến.

Hé lộ những chi tiết đáng sợ đằng sau sự sụp đổ của FTX - 1

Nhà sáng lập Sam Bankman-Fried đã tuyên bố từ chức sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản FTX (Ảnh: Getty).

Mất kiểm soát hoàn toàn

"Chưa bao giờ trong sự nghiệp của mình, tôi thấy sự thất bại hoàn toàn trong việc kiểm soát công ty như vậy và hoàn toàn không có thông tin tài chính nào đáng tin cậy ở đây", Ray, người có 40 năm kinh nghiệm về pháp lý và tái cấu trúc, nói.

Mở đầu báo cáo của mình, ông Ray đã chỉ trích đội ngũ điều hành cũ, bao gồm cựu CEO Sam Bankman-Fried, vì đã thất bại trong việc nắm bắt và xử lý lỗ hổng trị giá hàng tỷ USD trong bảng cân đối kế toán ở Alameda Research-FTX. Theo ông, thiệt hại của các nhà đầu tư có thể lên đến 8 tỷ USD.

Ông Ray cho rằng, với hệ thống kế toán, kiểm toán không tồn tại hoặc có nhiều sai sót, ông và các nhân viên điều tra sẽ phải mất một thời gian mới khám phá ra sự thật.

Báo cáo tài chính không đáng tin cậy

Giám đốc mới của FTX bày tỏ lo ngại về tình hình tài chính của công ty mà ông đang trình bày trước tòa. Sự phát triển bùng nổ của FTX đã tạo ra những lỗ hổng lớn trong bảng cân đối kế toán mà ông khẳng định các bên liên quan hay tòa án sẽ không thể đánh giá được nếu dựa vào báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Báo cáo tài chính chuẩn xác là thước đo quan trọng để định giá hay đầu tư vào một công ty. Nhưng các công ty mạo hiểm đã đổ hàng tỷ USD vào Bankman-Fried và các công ty của ông ấy, và định giá chúng với giá trị hàng chục tỷ USD.

Bất kỳ khoản đầu tư mạo hiểm nào cũng phải trải qua giai đoạn thẩm định, các nhà đầu tư phải được tiếp cận sổ sách và báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Do đó, việc ông Ray khẳng định báo cáo tài chính của nhiều công ty con của FTX là không đáng tin cậy đã đặt ra câu hỏi về việc thẩm định báo cáo tài chính, ngay với cả một số công ty lớn nhất trên thế giới.

Mua nhà cho nhân viên nhưng không có ràng buộc

Báo cáo của Ray còn chỉ ra rằng, các quỹ của công ty còn được sử dụng để mua nhà cho nhân viên, đôi khi đứng tên của họ. Nhưng lại không có khoản vay nào từ các cá nhân đó được ghi nhận cho FTX như một sự ràng buộc điển hình tại các công ty khác. Thay vào đó, theo Ray, các cá nhân này được cấp miễn phí, sở hữu dưới tên của họ. Đáng chú ý trong đó có căn penthouse trị giá 40 triệu USD của Bankman-Fried.

Phê duyệt giải ngân bằng biểu tượng cảm xúc

Theo ông Ray, mặc dù toàn bộ ngành công nghiệp đều cẩn trọng trong việc kiểm soát chi phí và bồi hoàn, song nhóm của Bankman-Fried vẫn sử dụng hệ thống nội bộ để chuyển tiền của công ty đến các nhân viên trên khắp thế giới. Không rõ FTX đã sử dụng nền tảng nào, dù trước đó họ sử dụng Slack để liên lạc nội bộ.

Ông Ray lấy ví dụ, nhân viên của FTX thường gửi yêu cầu thanh toán qua một nền tảng trò chuyện trực tuyến và cấp quản lý thường phê duyệt giải ngân bằng các biểu tượng cảm xúc cá nhân trên nền tảng đó.

Ưu ái Alameda

Báo cáo của Ray cũng cho biết các hoạt động không thể chấp nhận được ở FTX còn bao gồm việc sử dụng email không bảo mật để truy cập vào phần tối mật và dữ liệu nhạy cảm. Ngoài ra, ở FTX còn thiếu sự đối chiếu hàng ngày của các vị trí trên chuỗi khối, nhưng lại sử dụng các phần mềm để che giấu việc lạm dụng tiền của khách hàng.

FTX còn ưu ái với Alameda Research, công ty giao dịch bí mật nằm ở vị trí trung tâm của đế chế Bankman-Fried. Ông Ray cho biết, Alameda còn được bí mật miễn trừ khỏi "một số khía cạnh" của giao thức thanh lý tự động của FTX.

Không rõ những khía cạnh mà Ray đề cập là gì, nhưng trong giao dịch tiền điện tử, thanh lý tự động gần giống với margin call trong chứng khoán.

Theo CNBC