Hậu nội chiến, cổ phiếu đại gia xây dựng Hòa Bình vẫn bị vùi dập vì sao?
(Dân trí) - Cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình đang bị bán rất mạnh sau thông báo rơi vào diện hạn chế giao dịch cùng loạt "hàng nóng" một thời như TTB, AGM, TVB, HPX, IBC.
Thị trường phiên sáng nay rung lắc trong biên hẹp, VN-Index loanh quanh vùng 1.060-1.066 điểm. Tuy vậy, xu hướng của chỉ số chính vẫn là nới rộng đà tăng.
Tạm nghỉ phiên sáng, VN-Index tăng 4,23 điểm tương ứng 0,4% lên 1.064,67 điểm; VN30-Index tăng 5,97 điểm tương ứng 0,56% lên 1.068,08 điểm. HNX-Index tăng 0,74 điểm tương ứng 0,35% lên 213,6 điểm và UPCoM-Index tăng 0,22 điểm tương ứng 0,27% lên 80,78 điểm.
Thanh khoản đạt 263 triệu cổ phiếu tương ứng 4.542 tỷ đồng trên HoSE và 47 triệu cổ phiếu tương ứng 587 tỷ đồng trên HNX.
Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía các mã tăng với 379 mã tăng giá trên cả 3 sàn, 22 mã tăng trần so với 290 mã giảm, 6 mã giảm sàn.
Cổ phiếu HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sau phiên giảm kịch sàn hôm qua thì sáng nay tiếp tục lao dốc. Đây là mã có mức giảm mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu xây dựng và vật liệu trên sàn HoSE, mức giảm hiện tại là 4,7%, thị giá chỉ còn 8.160 đồng/cổ phiếu.
Nhà đầu tư đang có phản ứng tiêu cực đối với HBC sau khi mã này bị Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 23/5. Theo đó, HBC sẽ chỉ được giao dịch trong phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận.
HBC bị đưa vào diện hạn chế giao dịch là vì công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với quy định. Đồng thời, cổ phiếu HBC tiếp tục bị giữ ở diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp (2021 và 2022).
Về phía Xây dựng Hòa Bình, công ty cho biết, thời gian qua, công tác quản trị nội bộ của Hòa Bình phát sinh một số vấn đề. Bên cạnh đó, tình hình thị trường bất động sản và tài chính biến động; hàng loạt công trình phải ngưng thi công dẫn đến việc xác nhận khối lượng, giá trị hoàn thành từ chủ đầu tư gặp khó khăn, ảnh hưởng đến vấn đề thanh - quyết toán. Ban điều hành cùng toàn thể công nhân viên phải tập trung toàn lực để giải quyết các vấn đề trên. Điều này đã ảnh hưởng đến các hoạt động xuyên suốt của công ty, trong đó có việc hoàn thành báo cáo tài chính năm theo đúng thời hạn.
Về hướng giải quyết, Hòa Bình cho biết sẽ công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán 2022 chậm nhất vào ngày 30/5, đồng thời, công ty sẽ công bố báo cáo thường niên 2022 theo quy định. Công ty của ông Lê Viết Hải cũng cam kết trong năm 2024 sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định về việc công bố báo cáo tài chính năm 2023 đúng thời hạn.
Ngoài HBC thì một loạt cổ phiếu khác đình đám một thời như TTB của Tập đoàn Tiến Bộ, AGM của Xuất nhập khẩu An Giang, TVB của Chứng khoán Trí Việt, HPX của Đầu tư Hải Phát, IBC của Apax Holdings cũng bị hạn chế giao dịch đều cùng xuất phát từ nguyên nhân chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày so với quy định.
Trong khi HBC mất giá mạnh thì một số mã khác cũng ngành như CIG lại tăng trần, CTI tăng 5,2%; LM8 tăng 5,2%; VGC tăng 3,2%; LCG tăng 2,1%; LBM tăng 1,9%.
Phần lớn cổ phiếu ngân hàng ủng hộ đà tăng của VN-Index. VIB tăng mạnh 3,6%; TPB tăng 1,3%; STB tăng 1,1%. Các mã lớn như CTG, VCB, TCB cũng tăng giá. Cổ phiếu ngành chứng khoán duy trì đà tăng tốt. BSI tăng 3,8%; VDS tăng 2,7%; EVF tăng 2,1%; APG tăng 1,8%; FTS tăng 1,8%. Loạt ông lớn SSI, VND, VCI cũng tăng giá.
Ngành bất động sản diễn ra phân hóa. Trong khi TIP tăng 3,1%; SZL tăng 2,8%; VHM tăng 1,9%; QCG tăng 1,8%; KDH tăng 1,6%; HDC tăng 1,5%... thì ngược lại, LDG giảm 3,9%; TEG giảm 1,5%; DIG giảm 1,4%; HTN giảm 1,2%; VRE giảm 1,1%.