Hậu Brexit, bất động sản London rớt khỏi "top" 3 thành phố đắt nhất thế giới

(Dân trí) - Ít lâu sau khi Anh quyết định rời EU (Brexit), giá nhà ở và giá thuê bất động sản tại London đã giảm mạnh. Năm 2016, thành phố này chính thức rời bỏ "top" 3 thành phố có giá nhà, giá thuê văn phòng đắt đỏ nhất thế giới.

Mới đây, Công ty Tư vấn bất động sản quốc tế Savills vừa công bố báo cáo chỉ số chi phí sinh hoạt - làm việc mới nhất tại London, kết quả, các chỉ số đều đã giảm mạnh. Cụ thể, chi phí trung bình hiện tại để thuê văn phòng và nhà ở tại London vào khoảng 88.800 USD/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức giá vào thời điểm tháng 6 năm 2014 là 124.500 USD. Cũng theo chỉ số này, London hiện có mức phí sinh hoạt rẻ hơn 10% so với tháng 12 năm 2008.


Hậu Brexit, giá bất động sản tại London (Anh) đã giảm mạnh (ảnh minh hoạ)

Hậu Brexit, giá bất động sản tại London (Anh) đã giảm mạnh (ảnh minh hoạ)

Trước đó, năm 2015 trở về trước London, New York (Mỹ) và Hong Kong (Trung Quốc) được mệnh danh là 3 thành phố đắt nhất thế giới dành cho các doanh nghiệp quốc tế tìm thuê văn phòng và không gian sống cho nhân viên. Tuy nhiên, sự mất giá của đồng bảng Anh đã khiến London thu hẹp khoảng cách trên bảng xếp hạng với Paris và Tokyo, khiến cuộc cạnh tranh giữa các thành phố có chi phí đắt đỏ nhất thế giới chỉ còn lại New York và Hong Kong.

Tại New York, tổng chi phí sinh hoạt - làm việc trung bình vào khoảng 111.900 USD/người, thấp hơn mức 114.200 USD /người được nghi nhận tại thời điểm khởi sắc vào tháng 6 năm 2016. Cùng thời điểm đó, Hong Kong đã tiếp tục thu hẹp khoảng cách với New York với 105.900 USD.

New York tiếp tục giữ vững mức giá đắt gấp đôi để trang trải cho nhân viên so với thành phố đối thủ Los Angeles, Mỹ, và đắt hơn 71% so với mức giá tại San Francisco. Tương tự, Hong Kong cũng có mức phí đắt gấp đôi so với các thành phố đối thủ cùng đẳng cấp tại Châu Á như Singapore và Thượng Hải.

Ngoài ra, so sánh giá thuê nhà ở giữa London và Paris, khoảng cách đã được thu hẹp từ hơn 34.000 USD/người/ năm xuống dưới 14.000 USD (năm 2016). Hai thành phố Dublin và Berlin, hai thành phố vốn được coi là lựa chọn thay thế đầy tiềm năng cho London hậu Brexit.

Theo ông Yolande Barnes, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Thế giới: "Lợi thế của London có thể bị mất dần nếu đồng bảng Anh được phục hồi. Tuy nhiên, đây vẫn sẽ tiếp tục là một thành phố hấp dẫn trên thế giới".

Tháng 6/2016, người dân Anh bỏ phiếu về việc lựa chọn hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau một thời gian dài nước này tham gia vào các cộng đồng như đồng tiền chung (euro), Nghị viện, Hội đồng châu Âu... Tuy nhiên, dù 28 nền kinh tế EU sử dụng đồng tiền chung euro nhưng nước Anh vẫn sử dụng đồng Bảng. Việc nợ công của nhiều nước thành viên và những vấn đề nhập cư vào EU là gánh nặng lớn đối với nền tài chính khối EU là một trong những nguyên nhân khiến người dân Anh quyết định bỏ lá phiếu thúc đẩy nhanh quá trình đưa nước Anh khỏi EU. Hiện quá trình này đã và đang được hoàn tất.

Nguyễn Tuyền