Hàng Trung Quốc "tăng tốc" vào Việt Nam
Đồng nhân dân tệ liên tục bị phá giá, hàng Trung Quốc vốn đã rẻ nay càng rẻ hơn, có mặt tràn ngập chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Dây thun, tăm… Trung Quốc tấn công hàng Việt
Ghi nhận tại các chợ lớn ở TP.HCM như Tân Bình, An Đông, Hoàng Hoa Thám…, chúng tôi nhận thấy hàng Trung Quốc nhiều vô kể, đủ loại “thượng vàng hạ cám”. Từ đồ chơi trẻ em, đồ dùng học sinh, quần áo đến những mặt hàng rất đơn giản như kim chỉ, khuy áo, dây thun, tăm xỉa răng, nơ kẹp tóc…
Chị Hà, tiểu thương tại chợ Bà Hoa (quận Tân Bình), nói toàn bộ dây cột tóc đều là hàng Trung Quốc vì hàng Việt không có để mua hoặc giá cao hơn nên chị không lấy hàng. Ngay cả bình sơn móng tay cũng đa phần là hàng Trung Quốc với giá khoảng 138.000 đồng/10 chai trong khi của Việt Nam 142.000 đồng/10 chai. Quần áo trẻ em Trung Quốc cũng đang thấp hơn 30%-40% so với hàng Việt.
Tại chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chị T., tiểu thương bán hàng gia dụng, chỉ vào chiếc cà men ủ nóng cơm của Trung Quốc có màu sắc bắt mắt giá 70.000 đồng/hộp loại một ngăn, 100.000 đồng/hộp loại hai ngăn. “Nhiều người thích mua sản phẩm trên vì giá trẻ hơn hàng Việt cùng loại” - chị T. nói.
Điều đáng chú ý là nếu trước đây hàng Trung Quốc bán tại Việt Nam chủ yếu hàng thấp cấp thì nay xuất hiện khá nhiều hàng cao cấp. Loại hàng này thường bán ở các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng cao cấp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ hàng Trung Quốc có mặt khắp nơi vì mẫu mã đa dạng, giá rẻ. Bên cạnh đó, những đầu mối cung cấp sỉ hàng Trung Quốc rất hào phóng với tiểu thương như cho mua gối đầu, khuyến mãi lớn, chiết khấu cao…
“Người tiêu dùng biết đó là hàng Trung Quốc nhưng thấy giá rẻ thì mua thôi. Thực ra lâu nay hàng Trung Quốc đã rẻ rồi, nay họ phá giá tiền nên hàng lại càng rẻ hơn. Với người bán, hàng nào cho lợi nhuận tốt hơn thì bán chứ không kể xuất xứ nước nào” - chị T. nói.
Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty Minh Long Hưng, cho rằng hiện nay ngoài việc phải đối phó với hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường thì DN Việt còn phải gồng mình cạnh tranh với hàng Trung Quốc gồm cả nhập chính ngạch và nhập lậu. Ông Sinh nói thêm: “Việc đồng nhân dân tệ bị phá giá càng làm cho hàng Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam nhiều thêm”.
Mối lo từ hàng nhập lậu
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh phân tích việc đồng nhân dân tệ giảm mạnh (khoảng 4,6%) gây sức ép cạnh tranh mạnh lên hàng hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất đối với DN Việt hiện nay không chỉ là chuyện Trung Quốc phá giá tiền mà còn là hàng lậu từ nước này tràn vào Việt Nam. TS Doanh dẫn số liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy năm 2014 Việt Nam nhập khẩu 63,8 tỉ USD từ Trung Quốc, còn phía Việt Nam thống kê chỉ 43,9 tỉ USD. Điều này đồng nghĩa đã có 20 tỉ USD hàng hóa chưa được phía Việt Nam thống kê. Nhiều chuyên gia cho rằng 20 tỉ USD này là hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam.“Bản thân tôi thì cho rằng một tỉ lệ lớn trong đó là hàng buôn lậu qua biên giới” - ông Doanh nói.
Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên, theo ông Doanh là do Việt Nam có chính sách cho mỗi người dân ở địa phương gần biên giới hằng ngày có quyền qua Trung Quốc mua hàng hóa Trung Quốc tại biên giới trị giá 2 triệu đồng/ngày mà không phải đóng thuế.
Như vậy một năm mỗi người Việt có thể mua đến 730 triệu đồng hàng Trung Quốc. Đây là một con số quá lớn và rất vô lý. Đối với người dân địa phương vùng biên giới thu nhập còn thấp, đa số còn nghèo thì chính sách trên là kẽ hở để những kẻ buôn lậu lợi dụng. Bây giờ chênh lệch tỉ giá tăng lên thì mạng lưới buôn lậu từ Trung Quốc về Việt Nam lại càng có cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn.
“Đó là chưa kể thực tế cho thấy Trung Quốc đã tổ chức đưa hàng lậu vào Việt Nam một cách hoàn hảo khi có kho hàng, đội ngũ cửu vạn, nắm rất chắc thông tin về lực lượng chống buôn lậu của chúng ta… ở biên giới” - ông Doanh nói.
Phải ngăn chặn
Từ thực trạng trên, ông Doanh đề nghị cơ quan chức năng phải có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Bởi nếu không thì người tiêu dùng Việt mặc nhiên đóng góp cho ngân sách của Trung Quốc, đem lại lãi cho DN Trung Quốc, trả lương cho công nhân Trung Quốc. Còn ngân sách nhà nước Việt Nam, DN và công nhân Việt Nam không được hưởng lợi đồng nào cả. Nguy hại hơn là nền sản xuất Việt Nam bị ngưng trệ.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS-TS Nguyễn Đức Khương, Học viện Quản lý và Quản trị kinh doanh Paris (Pháp), nhận định nếu không có nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, rất nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục phải phá giá đồng nội tệ trong những tháng tới đây. “Mục đích phá giá đồng nhân dân tệ của họ là hỗ trợ xuất khẩu, tránh nguy cơ giảm phát và giảm nhiệt cho bong bóng tài chính”.
Đồng nhân dân tệ giảm giá so với đôla Mỹ đưa đến việc tỉ giá của Việt Nam đồng so với nhân dân tệ gia tăng. Do vậy, giá của các hàng xuất khẩu của nước ta sẽ tăng lên, cũng có nghĩa là mức độ cạnh tranh về giá thấp đi. Phía DN Trung Quốc có lợi khi xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam vì hàng của họ rẻ đi.
Để đối phó với việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định nới rộng biên độ tỉ giá tiền đồng so với đôla Mỹ. Đây là một quyết định đúng thời điểm nhằm đảm bảo tính ổn định trên thị trường và niềm tin của nhà đầu tư vào chính sách kinh tế vĩ mô.
Hàng độc hại
Một số người tiêu dùng cho biết họ không còn dám mua hàng Trung Quốc nữa vì chúng liên tục bị cơ quan chức năng phát hiện có chứa chất độc hại.
Chị Thúy, nhân viên làm việc tại một tiệm hớt tóc ở khu vực Bàu Cát (Tân Bình), kể chị và bạn bè trước đây xài kem làm trắng da mặt của Trung Quốc nhưng giờ… cạch mặt luôn. “Loại kem này rất lạ. Xài liên tục thì da trắng và bóng nhưng chỉ cần mấy ngày không xài là da nám đen, xù xì, thậm chí bị loét da. Sợ quá nên tụi em không dám sử dụng nữa” - chị Thúy kể.
Nhập siêu ngày càng tăng
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Trung đã liên tục tăng mạnh trong những năm qua, song Việt Nam thường rơi vào vị thế nhập siêu. Điển hình là chỉ riêng trong bảy tháng đầu năm 2015, nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã chạm mức 19,5 tỉ USD. Quyết định phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ khiến mức nhập siêu của Việt Nam ngày càng lớn hơn.
Theo Tú Uyên - Chân Luận
Pháp Luật TPHCM