Hàng Trung Quốc “đội lốt” mác Việt
(Dân trí) - Khi Việt Nam tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn, lập tức Trung Quốc có hàng dệt may ghi sản xuất tại Việt Nam. Đấy là chưa kể nhiều loại hàng hóa được doanh nghiệp trong nước đặt hàng Trung Quốc cũng “đội lốt” mác Việt.
Có cửa hàng Made in Viet Nam bán hàng không do Việt Nam sản xuất (ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Khi hàng Việt được nhập khẩu
Lạng Sơn, một trong những địa phương nằm ở khu vực biên giới Việt - Trung vẫn hàng ngày nhập nhiều hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc nhưng mang nhãn hiệu Việt. Trong đó, dễ nhận thấy nhất là các mặt hàng may mặc, da giày.
Từ cửa khẩu Tân Thanh, loại hàng hóa “đặc biệt” này đã được chuyển đi khắp các tỉnh thành trên cả nước, từ Bắc đến Nam, từ các cửa hàng kinh doanh đơn lẻ cho đến các trung tâm thương mại lớn, các siêu thị hàng hóa đều có mặt…
Đáng chú ý, thương hiệu may mặc nổi tiếng “Made in Vietnam” cũng đã bị lợi dụng. Hiện nay, không ít các cửa hàng nhỏ lẻ nhập hàng “Made in China” hoặc hàng không rõ nguồn gốc rồi tự phong hàng Việt xuất khẩu với mẫu mã, nhãn mác y chang hàng thật.
Lý giải cho sự “trà trộn” này, nhân viên một cửa hàng bán đồ may mặc nội địa tiết lộ: hàng Trung Quốc mác Việt thường có giá rẻ hơn, mẫu mã bắt chước rất giống, những khách mua không tinh ý sẽ khó phát hiện.
Đấy là chưa kể nếu đặt hàng tại Trung Quốc thì thời gian đáp ứng rất nhanh, thanh toán linh hoạt… Trong khi đó, hàng đặt từ nhà sản xuất trong nước hay phải chờ lâu, nhiều khi chờ nhà sản xuất làm xong thì đã hết vụ!
Tận dụng lợi thế về giá cả, thời gian, nhiều cơ sở sản xuất trong nước đã trực tiếp đặt hàng từ nước bạn rồi mang về gắn mác mang thương hiệu của mình.
Đại diện một doanh nghiệp giải thích, vẫn loại mặt hàng ấy, mẫu mã ấy nếu phải đầu tư công nghệ để sản xuất trong nước thì cũng phải nhập nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc. Như vậy, giá thành thường cao hơn mà lại nặng gánh hơn!
Công cụ pháp luật cần phải đủ sức nặng
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả mới đây, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã lý giải việc vì sao có nhiều hàng Trung Quốc tuồn vào Việt Nam dưới danh nghĩa mác Việt.
“Các doanh nghiệp Trung Quốc uyển chuyển khi đối phó với các chính sách biên giới của chúng ta như khi chúng ta tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn lập tức xuất hiện hàng dệt may ghi sản xuất tại Việt Nam bằng tiếng Việt với tên thương nhân không xác định” - báo cáo của Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết.
Như vậy rõ ràng bên cạnh việc lợi dụng những thương hiệu Việt có uy tín để làm giả, làm nhái, việc hàng Trung Quốc gắn mác Việt không hẳn là vì hàng hóa của ta có uy tín mà là để đối phó với các cơ quan chức năng khi vận chuyển qua biên giới.
Theo đánh giá của Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, chúng ta thường quan tâm khi xem xét hàng giả là hàng hóa vi phạm, bao bì, nhãn hàng hóa… song nguy cơ thực sự lại là đối tượng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả.
Hàng giả muốn đến tay người tiêu dùng phải qua đối tượng kinh doanh, phân phối và vận chuyển là khâu quan trọng nhất. Trong khi đó, việc vận chuyển hàng giả giờ đã chuyên nghiệp hơn trước rất nhiều. Đối tượng vận chuyển có tổ chức chặt chẽ và móc nối để hạn chế được vai trò kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Để giải quyết vấn nạn này, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có sự chỉ đạo và chính sách có tính thống nhất về chống hàng giả có xuất xứ từ nước ngoài. Và quan trọng là công cụ pháp luật này phải đủ sức nặng để ngăn chặn hàng hóa vi phạm ngay khi bước chân vào biên giới Việt Nam.
Lan Hương