Hàng Việt sản xuất tại... Trung Quốc

Gần đây nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển việc đặt gia công ở nước ngoài để có hàng giá rẻ, mẫu mã đa dạng và tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu.

Hàng Việt sản xuất tại... Trung Quốc - 1
Mặt hàng giày dép trẻ em của doanh nghiệp Việt Nam nhưng có xuất xứ từ Trung Quốc.
 
Tình trạng này khá phổ biến ở các nhóm hàng tiêu dùng thông dụng không đòi hỏi công nghệ cao như may mặc, da giày, văn phòng phẩm.

Vào các siêu thị có thể thấy, hầu hết hàng may mặc, giày dép đều có gắn nhãn tiếng Việt, nhưng xem kỹ đều có xuất xứ Trung Quốc như giày dép Hồng Phát, giày dép Phương Quân, thời trang Dung, sản phẩm dệt may Tô Kim Hải…

Tuy vậy, nhiều đơn vị kinh doanh và phân phối khác có cửa hàng riêng lại không minh bạch như vậy.

Hàng nhập khẩu dán nhãn Việt Nam

Bà Đặng, Giám đốc Công ty thời trang V.T cho biết: “Trong các mặt hàng mặc thông dụng hàng ngày, các công ty đa phần chỉ sản xuất 60% đối với hàng thun, kaki (khoảng 40%) và jean (khoảng 20%), còn lại đặt gia công ở nước ngoài sẽ có giá rẻ hơn.

Hiện Trung Quốc là nơi dễ đặt hàng và giá rẻ nhất. Chẳng hạn, quần jean loại trung bình khá chừng 150.000 – 190.000 đồng/chiếc, hàng cao cấp nhất cũng chỉ 267.000 đồng/chiếc. Mang về Việt Nam tuỳ theo vị trí shop, thương hiệu có thể bán với nhiều nấc giá khác nhau”.

Bà Nguyễn Thị Thanh, một thương nhân có sạp bán sỉ ở chợ An Đông và chuyên bỏ mối hàng cho một số siêu thị, cửa hàng tại TPHCM nói: “Đặt hàng may mặc ở Trung Quốc, loại hàng không gắn nhãn mác có thể mua qua các đầu mối ở Bắc Ninh, Móng Cái, Lạng Sơn giá chỉ dưới 100.000 đồng/chiếc. Loại hàng tốt hơn, có gắn nhãn treo, nhãn đính bằng vải, giá dưới 250.000 đồng/chiếc có thể đặt ở các chợ biên giới hoặc chợ bán sỉ và lẻ ở Quảng Châu. Riêng hàng cao cấp giá trên 300.000 đồng/chiếc hầu hết đều vào tận các nhà máy ở Thẩm Quyến để đặt”.

Bà Thanh cho biết, nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam đặt hàng may, giày dép không nhãn mác, rồi mang về Việt Nam gắn hiệu riêng của mình vào.

Vì sao nên nỗi?

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhìn nhận: “Việc các doanh nghiệp mua hàng từ Campuchia hay Trung Quốc về sửa nhãn là có thật. Bởi đặt may ở Campuchia giá rẻ hơn ở Việt Nam, đặt ở Trung Quốc mẫu mã đa dạng, giá lại có nhiều nấc dễ bán”.

Theo ông Trương Quang Luyến, Phó Tổng giám đốc Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà, việc nhập nguyên liệu hoặc sản phẩm về kinh doanh là cần thiết, vừa có giá cạnh tranh hơn, vừa tăng tốc độ mẫu mã mới…

Ông Luyến dẫn chứng: có những sản phẩm rất đơn giản như chiếc kẹp giấy, lưỡi gà, ngòi bút, bơm mực viết máy… đầu tư nhà máy để sản xuất cần vốn lớn mới đạt được công nghệ tốt cho sản phẩm tinh xảo. Thay vì vậy, nhập hàng sẽ có giá tốt hơn, tiết kiệm chi phí đầu tư.

Ông Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Thiên Long gọi việc đặt gia công là hợp tác sản xuất.

“Với thực tế chi phí nhân công ngày càng tăng, thuê hoặc mua đất để mở nhà xưởng đòi hỏi đầu tư càng lớn thì Thiên Long sẵn sàng hợp tác sản xuất với các đối tác trong nước hoặc tại Trung Quốc, Campuchia hay Lào. Vấn đề là phải đảm bảo giữ gìn hình ảnh thương hiệu và công ty phải kiểm soát được kỹ thuật, tiêu chuẩn, kiểu dáng, và quan trọng hơn là quản trị chất lượng chặt chẽ để chịu trách nhiệm với người tiêu dùng trên mỗi sản phẩm bán ra”, ông Nghĩa nói:

Ông Nguyễn Hữu Phụng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty thời trang Việt nêu ý kiến: “Việc đặt nơi khác làm gia công là cần thiết khi doanh nghiệp muốn tăng tốc phát triển. Đặt gia công ví như con dao hai lưỡi, với doanh nghiệp đã đủ lực, có hệ thống phân phối lớn, có đội ngũ quản lý và thiết kế mạnh thì việc này mới có lợi. Còn công ty nhỏ mà đã đặt hàng gia công, số lượng hàng ít sẽ khó thương lượng giá tốt, khó kiểm soát chất lượng hàng hoá…”

Theo số liệu của cục Hải quan TPHCM, 6 tháng đầu năm 2010 kim ngạch nhập khẩu qua địa bàn của nhóm hàng bút, bút chì, bảng, văn phòng phẩm vào khoảng 6,4 triệu USD. Trong đó nhiều nhất là bút với kim ngạch trên 5,6 triệu USD, nguồn nhập nhiều nhất từ Trung Quốc.

Nhập quần áo may sẵn các loại gần 20 triệu USD từ Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Korea… Nhập khẩu giày dép thành phẩm chiếm khối lượng khá lớn với kim ngạch khoảng 82,4 triệu USD từ Trung Quốc, Hong Kong...

 
Theo Bích Thuỷ
SGTT