Hàng trăm công ty "quay lưng" với DeepSeek
(Dân trí) - Lo ngại về lỗ hổng bảo mật, nhiều công ty và cơ quan chính phủ trên toàn cầu đang nỗ lực hạn chế quyền truy cập vào các công cụ AI do DeepSeek phát hành.
Giám đốc công nghệ Nadir Izrael của công ty an ninh mạng Armis cho biết có hàng trăm công ty, đặc biệt là các tổ chức có liên quan đến chính phủ, đang nỗ lực chặn quyền truy cập vào DeepSeek.
Cụ thể, Armis cho biết khoảng 70% khách hàng của họ đã yêu cầu chặn DeepSeek. 52% khách hàng của công ty bảo mật Netskope cũng có động thái chặn hoàn toàn.
Mối lo ngại lớn nhất đến từ khả năng rò rỉ dữ liệu của mô hình AI này tới Trung Quốc. "Bạn không thể biết được thông tin của mình sẽ đi đến đâu", Giám đốc công nghệ Nadir Izrael nhận định trong báo cáo.
Theo các công ty an ninh mạng được thuê để bảo vệ hệ thống, làn sóng cấm đoán này chủ yếu xuất phát từ mối lo ngại về nguy cơ rò rỉ dữ liệu sang chính phủ Trung Quốc và những chính sách bảo mật lỏng lẻo của DeepSeek, theo Bloomberg.
CNBC cho biết, cơ quan Hàng không và vũ trụ NASA trở thành cơ quan liên bang mới nhất cấm nhân viên truy cập DeepSeek. Thông báo từ Giám đốc AI của NASA gửi tới tất cả nhân viên nhấn mạnh rằng máy chủ của DeepSeek "hoạt động bên ngoài nước Mỹ, gây ra những lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư".
"DeepSeek và các sản phẩm và dịch vụ của công ty này không được phép sử dụng với dữ liệu và thông tin của NASA hoặc trên thiết bị và mạng do chính phủ cấp", thông báo nêu
Trong bối cảnh lo ngại về DeepSeek gia tăng, một số công ty công nghệ đã chủ động tránh sử dụng các dịch vụ của công ty này. CEO Mehdi Osman của công ty khởi nghiệp về phần mềm OpenReplay tại Mỹ cảnh báo rằng mức giá cực thấp của DeepSeek có thể khiến nhiều nhà phát triển từ bỏ OpenAI trong những tháng tới.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump ngày 27/1 nói với truyền thông: "Việc phát hành DeepSeek AI từ một công ty Trung Quốc nên là lời cảnh tỉnh cho ngành công nghiệp của chúng ta, rằng chúng ta cần tập trung cao độ vào việc cạnh tranh".
Ngoài vấn đề bảo mật, DeepSeek còn vấp phải chỉ trích từ các chuyên gia an ninh mạng vì hệ thống kiểm soát nội dung kém chặt chẽ. Các nhà nghiên cứu tội phạm mạng cảnh báo rằng nền tảng AI của DeepSeek có ít cơ chế kiểm soát, ngăn chặn việc tin tặc lợi dụng AI vào mục đích xấu như tạo email lừa đảo, phân tích tập dữ liệu bị đánh cắp hoặc nghiên cứu lỗ hổng bảo mật.
Chatbot AI của công ty DeepSeek đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng ứng dụng trên Apple Store nhờ được nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới công nghệ ca ngợi như nhà đầu tư Marc Andreessen.
Tuy nhiên, trong chính sách bảo mật, DeepSeek thừa nhận họ thu thập và lưu trữ dữ liệu người dùng trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc, đồng thời tuyên bố rằng bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến quyền riêng tư sẽ được giải quyết theo luật pháp Trung Quốc.
Sự phát triển nhanh chóng của DeepSeek cùng với sự gia tăng của các dịch vụ AI cũng thúc đẩy nhu cầu cho các giải pháp an ninh mạng. Theo nghiên cứu của Bloomberg, các công ty bảo mật như CrowdStrike, Palo Alto Networks và SentinelOne có thể hưởng lợi từ xu hướng này.