TP.HCM:
Hàng Tết “3 không” ngập chợ
(Dân trí) - Không nhãn mác, không nguồn gốc, không hạn sử dụng là những gì PV Dân trí ghi nhận được từ nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên Đán tại các chợ đầu mối lớn nhất ở TP.HCM.
Rẻ là được!
Đó là khẳng định của nhiều tiểu thương buôn bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như bánh ngọt, mứt, kẹo, hướng dương, hạt dưa, hạt bí, nấm, hạnh nhân, hạt điều, nho khô…tại nhiều chợ trên địa bàn thành phố.
Đến hẹn lại lên, thị trường hàng “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc, không hạn sử dụng) diễn ra hết sức sôi động. Từ chợ đầu mối đến các chợ nhỏ nhiều mặt hàng Tết được bày bán tràn lan nhưng khi hỏi nguồn gốc thì các chủ sạp đều né tránh hoặc trả lời cho “có lệ” như: "Hàng này là nhà người thân của chị làm ở dưới quê đưa lên, mứt này là món gia truyền của nhà chị, năm nào chả bán ở đây, ai trong chợ này mà chả biết. Mình bán có thương hiệu rồi không cần phải viết chi tiết ra làm gì” – Một chủ tiệm bán mứt gừng, bánh kẹo tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) khẳng định chắc nịch.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, đa số các mặt hàng như mứt, hạt dưa, hạt bí, nấm, rong… được các cơ sở kinh doanh đóng bịch từ 5 - 20 kg để phục vụ nhu cầu mua sỉ của khách đưa về tỉnh lẻ tiêu thụ. Tất cả các bịch đóng hàng đều không thể hiện bất cứ thông tin gì về sản phẩm, người mua chỉ dựa vào mắt thường mà chọn.
Trong vai người đi mua hàng sỉ về các tỉnh lẻ để bán, chúng tôi ghé cửa hàng L.H (tại chợ đầu mối Bình Tây). Tại đây, nhân viên tên Toàn cho biết giá hàng thực phẩm năm nay tăng khoảng 10% so với năm ngoái. “Số lượng hàng nhập về cũng nhiều hơn năm ngoái vì năm nay các cửa hàng bán lẻ của các tỉnh đặt hàng nhiều, giá bán sỉ của hạt Bí đỏ dao động từ 97.000 – 102.000 đồng/kg, hạt dưa từ 130.000 – 150.000 đồng/kg, điều 210.000 đồng/kg, mứt các loại từ 90.000 – 150.000 đồng/kg, nho khô 80.000 đồng/kg...”, Toàn cho hay.
Khi được hỏi nguồn gốc của các sản phẩm trên, Toàn đáp ngay: “Ở đây chợ sỉ mà, người ta giao hàng cho mình thì mình bán, bán bao nhiêu năm rồi có ai để ý đến nguồn gốc đâu. Mình cứ ăn thấy ngon thì mình nhập về mình bán thôi. Anh lần đầu đến đây chứ khách của em toàn người quen lấy hàng lâu năm không à. Anh yên tâm, ở đây em bán đúng giá, hàng ngon nên anh không phải lo. Cứ lấy về mà bán, mình bán mấy hàng này có ai người ta có hỏi nguồn gốc ở đâu đâu. Hàng Trung Quốc hay Việt Nam cũng vậy thôi. Tụi em bán ở đây cả chục năm có ai kiểm tra mấy cái đó đâu”.
Tiếp tục ghé vào sạp bán đồ tết H. T. ngay phía bên trái cổng chợ Bình Tây, các mặt hàng tại đây cũng không hề có nhãn mác, nguồn gốc, hạn sử dụng. “Tụi em đi làm cho bà chủ nên chỉ biết bán thôi không rõ nguồn gốc. Hạn sử dụng thì anh cứ yên tâm. Các loại mứt anh để qua Tết thoải mái, không hư được đâu. Còn hạt dưa, hạt bí, hạt điều với đồ khô thì anh bán khi nào hết thì thôi. Cửa hàng em bán lớn nhất nhì khu này, mỗi ngày đổ sỉ hàng tấn hàng nên em đảm bảo hàng chất lượng cao. Anh đặt cọc đi em gửi hàng về tận nơi cho, lần sau khỏi phải đi lên đây mất thời gian. Anh cần lấy bao nhiêu cứ chuyển khoản lên em gửi xe về cho” – Linh (nhân viên bán hàng tư vấn)
“Vắng bóng” hàng Việt
Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã phát động nhiều chương trình ủng hộ hàng Việt nhưng thực tế việc hàng Việt vẫn khó tìm được chỗ đứng. Khảo sát khắp chợ Bình Tây hầu hết các mặt hàng đều không rõ nguồn gốc. Khi khách hàng muốn mua hàng Việt thì phải đặt hàng trước và giá cả cũng cao hơn rất nhiều.
Các mặt hàng phục vụ tết “made in Viet Nam” thường có giá cao hơn từ 20 – 30% so với những mặt hàng không rõ nguồn gốc. Không chỉ ở các chợ sỉ, các chợ lẻ như Hoàng Hoa Thám, Đồng Đen, Bàu Cát… cũng hiếm gặp các mặt hàng Việt phục vụ Tết.
“Hầu hết mặt hàng ở các chợ đầu mối đều có xuất xứ từ Trung Quốc vì giá thành thấp và mẫu mã cũng bắt mắt. Hàng Việt tụi chị cũng không thích nhập vì khó bán. Chị nghĩ em cứ lấy hàng của chị về bán là được rồi, vừa rẻ vừa ngon. Về quê cứ ngon, rẻ là người ta thích em à. Nếu em mua hàng có nguồn gốc Việt số lượng lớn thì đặt cọc chị sẽ kiếm nguồn hàng và gửi về cho em. Ở cả chợ này em thử kiếm đi, rất ít sạp có sẵn hàng do mình sản xuất, muốn mua phải đặt từ đại lý để người ta chuyển về” – Bà Đặng Thị B. (tiểu thương trong chợ Bình Tây) khẳng định.
Linh (nhân viên cửa hàng 31 phía góc phải chợ Bình Tây) cho rằng, muốn mua hàng Việt thì phải tìm đến hệ thống siêu thị lớn, còn ngoài chợ Bình Tây cũng như nhiều chợ bán sỉ, bán lẻ khác chủ yếu ngắm đến người tiêu dùng bình dân nên các chủ sạp sẽ nhập hàng có giá rẻ, dễ bán nhất để bung ra thị trường Tết.
Trước thực trạng hàng “3 không” tràn lan ngoài chợ, địa diện Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho rằng, việc kiểm soát tại các chợ đang gặp nhiều khó khăn do người bán tìm mọi cách chống đối, lách luật. “Khi chúng tôi chưa đến chợ thì đã bị lộ rồi, người bán hàng ở đây sẽ dùng nhiều cách để đối phó, khi đó họ mang các biển thông báo về nguồn gốc hàng hóa và giá cả ra cắm trước các mặt hàng. Bên cạnh đó, lượng hàng hóa tại chợ rất lớn, cung cấp cho các tỉnh thành phía Nam nên việc kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn” – Một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM chia sẻ.
Để đảm bảo sức khỏe cho người dân trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (ANVSTP) TP.HCM khuyến cáo, khi mua thực phẩm, người tiêu dùng phải lưu ý đến hạn sử dụng, trên nhãn phải thể hiện rõ nguồn gốc, có địa chỉ cụ thể của nhà sản xuất hoặc của thương nhân. “Khi có những thông tin này thì chứng tỏ rằng các sản phẩm này được công bố hợp quy hoặc phù hợp quy định. Trong trường hợp xảy ra sự cố thì có thể truy trách nhiệm của nhà sản xuất” – Lãnh đạo Chi cục ATVSTP lưu ý.
Trung Kiên – Xuân Hinh