Hàng quán nhập cuộc số hóa

Trường Thịnh

(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định, làn sóng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam không chỉ nhờ những sự thúc đẩy thiết thực của Chính phủ mà còn bởi sự hưởng ứng tích cực từ chính mỗi người dân.

Từ đầu ngõ đến cuối xóm, ai ai cũng nhập cuộc "số hóa", lên app kinh doanh...

Nhà nhà "chuyển đổi số"

Nằm lọt thỏm ở con phố Hoa Hồng vốn thưa người so với tuyến đường Phan Xích Long liền kề, tiệm ăn Quán Nhớ Gia Lai không vì thế mà vắng khách. Dù giữa trưa hay xế muộn, sáu nhân sự của quán luôn tất bật chế biến, đóng gói và giao hàng cho shipper.

"Lên app đã 2 năm, ban đầu chị nghĩ mình đăng ký chỉ để nhiều người biết đến quán hơn. Nhưng không ngờ doanh số từ kinh doanh qua GrabFood đã ngang ngửa với bán cho khách trực tiếp. Có thời điểm tỷ trọng còn nghiêng hẳn về bán mang đi", chị Lê Thị Hồng Thương - chủ quán kể.

Hàng quán nhập cuộc số hóa - 1
Quán Nhớ Gia Lai là một trong những cửa hàng chọn "lên app" từ những ngày đầu.

Nhờ sinh sống nhiều năm tại Singapore trước khi khởi nghiệp ngành ăn uống, chị Thương cho rằng bản thân là người nhanh nhạy với thời cuộc. Tại thời điểm chị Thương lên app, GrabFood vẫn còn là một dịch vụ hoàn toàn mới. Suy tính kỹ, thay vì mở cửa hàng trên mạng xã hội, tự thuê đội shipper, chị chọn hợp tác với các nền tảng trực tuyến và sớm gặt được "quả ngọt". Cứ thế, chỉ số kinh doanh của quán cũng tỷ lệ thuận với đà tăng trưởng của ứng dụng.

Gia nhập sau chị Thương, một lớp hàng quán nấp mình trong những khu chợ, con hẻm nhỏ cũng thừa hưởng những lợi ích mà nền tảng trực tuyến mang lại.

Đơn cử, quán bún thịt nướng A Tài (quận Phú Nhuận, TPHCM) đã "thay da đổi thịt" dù mới lên app hơn một năm nay. Nghe theo lời em trai làm đối tác tài xế GrabFood, chị Trần Thị Diễm mới tập tành kinh doanh qua app. Chị không nghĩ có ngày quán bún đơn sơ của mình có thể nằm "chễm chệ" trên một ứng dụng di động, "Mình còn được hỗ trợ sản xuất hình ảnh món ăn hấp dẫn, tham gia chương trình khuyến mãi thu hút". Shipper đến quán mỗi ngày mỗi đông, từ hai nhân sự, quán chị hiện tại bốn người không ngơi tay vào những khung giờ cao điểm.

Hàng quán nhập cuộc số hóa - 2

Chuẩn bị món ăn để giao hàng

Năm 2021 được xem là thời điểm vàng của chuyển đổi số tại Việt Nam. Không chỉ là chiến lược quốc gia, hay qua lời kêu gọi các doanh nghiệp lớn, chuyển đối số đang được đón nhận bởi cả những con người bình dân. Từ đầu ngõ đến cuối xóm, ai ai cũng "số hóa", cô Sáu bún riêu, hay chị Ba hàng chè cũng biết lên app để tăng thu nhập.

Thay đổi nhỏ - lợi ích lớn

Các cửa hàng ăn uống, thực chất chính là các đơn vị kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ. Họ được xem là lực lượng sở hữu mô hình hoạt động linh hoạt, dễ dàng thích ứng, chỉ cần vài thay đổi nhỏ là đã có thể nhận về những lợi ích không tưởng.

Lợi ích dễ thấy nhất chính là tiết giảm chi phí nhờ tận dụng nguồn lực của các nền tảng trực tuyến để tiếp cận lượng thực khách tiềm năng, quảng bá thương hiệu, mở rộng kênh giao hàng. Nhờ đó, đến cả những quán ăn khuất mình trong ngõ hẻm cũng có cơ hội cạnh tranh với chuỗi nhà hàng mặt phố.

Chưa kể, tham gia nền tảng số của các ứng dụng, chủ cửa hàng được hỗ trợ triển khai khuyến mãi giờ vàng, ưu đãi theo mùa để kích cầu, đưa doanh số vọt nhảy. Việc này không chỉ trực tiếp mang lại lợi ích cho chủ kinh doanh mà người dùng cũng dễ dàng đặt món qua các nền tảng trực tuyến với mức giá tiết kiệm, đỡ chịu cảnh chen chúc, kẹt xe khi mua đồ ăn tại hàng quán nằm sâu trong hẻm.

Đặc biệt năm 2021, khi tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp , nhờ chuyển đổi số từ sớm mà nhiều hàng quán vẫn duy trì được trạng thái kinh doanh ổn định. "Đợt giãn cách do dịch bệnh đầu năm 2021, tình hình buôn bán của nhiều hàng quán khó khăn. Trong khi quán mình vẫn có đơn hàng đều đặn, đủ chi trả chi phí và duy trì công việc cho anh chị em nhân viên", chị Thương, chủ quán Nhớ Gia Lai chia sẻ. Tương tự, chị Lê Diễm Hằng - chủ quán Bún Riêu Dì Sáu (Phú Nhuận, TPHCM) cũng cho rằng nhờ chuyển sang các hình thức kinh doanh online, quán chị phần nào "dễ thở" hơn trong mùa dịch khi doanh thu trồi sụt thất thường.

Hàng quán nhập cuộc số hóa - 3
Chuyển đổi số chính là một giải pháp cho doanh nghiệp trong mùa dịch.

Tương lai của tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam

Nếu coi các cửa hàng F&B là "nội lực" của dòng dịch chuyển số hóa, thì "ngoại lực" ở đây chính là sự phát triển của các nền tảng trực tuyến, siêu ứng dụng.

Điển hình với Grab, siêu ứng dụng này vừa cán mốc 7 năm có mặt tại Việt Nam. Dấu ấn mà Grab đã để lại không chỉ được định hình bởi những chỉ số kinh doanh tăng trưởng, mà còn là hành trình đưa "số hóa" đến cuộc sống của tất cả mọi người, kể cả những cá thể kinh doanh vừa và nhỏ vốn yếu thế hơn trong cuộc chạy đua công nghệ.

Hàng quán nhập cuộc số hóa - 4
Nhờ Grab, kể cả một cửa hàng nhỏ lẻ nấp mình trong hẻm cũng có thể chuyển đối số.

Trong chặng đường 7 năm của mình tại Việt Nam, Grab đã triển khai hàng loạt các dịch vụ có thể kể đến như GrabFood, GrabMart, GrabKitchen và GrabExpress… Đây là những nỗ lực trong nhiều năm qua của Grab nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số toàn diện cho các hộ kinh doanh, từ đó mang đến những dịch vụ tiện lợi hơn phục vụ người dân và góp phần phát triển nền kinh tế.

Bên cạnh những cam kết dài hạn, Grab cũng nỗ lực xây dựng nhiều sáng kiến kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong mùa dịch. Đầu tháng 6, Grab Việt Nam mở rộng GrabExpress Siêu tốc (Đồ ăn) với mục tiêu hỗ trợ các chủ doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực F&B duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn giãn cách xã hội. Hay gần nhất, ứng dụng công bố dự án GrabConnect nhằm kết nối nông sản và đặc sản địa phương từ nông dân đến người dùng khắp cả nước.

Theo giới chuyên gia, chuyển đổi số cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, nhưng vẫn còn là chặng đường dài. Trong đó, nhóm "nội lực" với các cửa hàng truyền thống cần vượt qua rào cản về công nghệ hay sự thụ động. Riêng với nhóm "ngoại lực", vai trò của các ứng dụng, nền tảng trực tuyến chính là "đòn bẩy" giúp đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số thông qua những sáng kiến, giải pháp thiết thực, từ đó cải thiện doanh thu và tăng trưởng trong tương lai.