1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàng quán giữa làn sóng Covid-19: Bán mang về vẫn khó trăm bề

Hoàng Dung

(Dân trí) - Giữa làn sóng dịch Covid-19, việc bán hàng mang về, với không ít chủ hàng, cũng là bài toán nan giải. Chấp hành chủ trương, ai cũng mong dịch qua mau để được trở lại cuộc sống thường nhật.

Lo chồng lo

Từ 0h ngày 13/7, Hà Nội sẽ ngừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể là nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, chỉ cho phép bán hàng mang về.

Hàng quán giữa làn sóng Covid-19: Bán mang về vẫn khó trăm bề - 1

Hà Nội dừng bán hàng ăn uống tại chỗ, cắt tóc từ 0h ngày 13/7 (Ảnh: Đỗ Linh).

Sau khi biết thông tin, chiều ngày 12/7, anh Đoàn Văn Lai, chủ nhà hàng Vườn ẩm thực tại Cửa Nam (Hà Nội) lại làm một công việc bất đắc dĩ là gọi nhân viên đến thông báo việc cắt giảm nhân sự trong thời gian tới.

Đa phần, nhân viên ở đây đều là người gắn bó với quán lâu năm nên ai ở lại Hà Nội, anh sẽ bao ăn, ở miễn phí, còn ai về quê, anh cũng sẽ hỗ trợ kinh phí đôi phần. Nhưng chính anh Lai cũng không biết, quán anh có thể tiếp tục cầm cự trong bao lâu.

"Lần mở cửa gần đây, quán tôi phải chứng kiến một cảnh tượng khá buồn khi lượng khách giảm sâu. Một phần là dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên nhiều người hạn chế ra ngoài ăn. Phần nữa là do dịch kéo dài, liên miên suốt 2 năm qua khiến kinh tế của mọi người bị ảnh hưởng nên việc chi tiêu cũng đang dần được thắt chặt. Có thể nhìn thấy rõ nhất là có một bộ phận người dân đang chuyển từ việc ăn quán sang ăn ở nhà" - anh kể.

Hơn nữa, anh Lai còn cho rằng, việc bán hàng mang về hiện cũng không mấy khả quan. Bởi có những ngày, quán anh chỉ bán ra được chục bát bún, nếu trừ đi chi phí vận hành, nhân công, tiền mặt bằng, tiền nguyên vật liệu thì chẳng có lãi, thậm chí còn lỗ.

"Ngày trước dịch, quán tôi có hơn 30 nhân viên, sau cắt giảm thì còn khoảng trên dưới 10 người. Còn mỗi khi có lệnh đóng cửa, tôi chỉ giữ lại 1 - 2 nhân viên ở lại bán hàng, chủ yếu là phục vụ cho khách quen, nhằm duy trì quán. Nếu dịch bệnh không thuyên giảm, tôi sợ, thời gian sắp tới, quán sợ không cầm cự nổi nữa" - anh nói.

Hàng quán giữa làn sóng Covid-19: Bán mang về vẫn khó trăm bề - 2

Các shipper chờ lấy đơn tại một cửa hàng (Ảnh: Đỗ Linh).

Cùng chung cảnh ngộ, chị Yến, chủ một quán cà phê trên đường Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) tâm sự, sau gần 2 năm sống chung với dịch, chị đang dần kiệt sức. Đến độ, quán giờ cũng không níu giữ nhân viên vì hết khả năng hỗ trợ kinh phí cho mọi người. Còn mỗi khi thành phố cho phép mở cửa, đón khách trở lại, chị lại đăng tuyển dụng nhân viên mới. 

"Tôi nhớ không nhầm thì ngày 22/6 Hà Nội cho phép mở cửa trở lại dịch vụ ăn uống trong nhà, đến giờ tính ra là được 3 tuần quán phục vụ trực tiếp. Nhưng chỉ được tuần đầu là khách đông, còn lại là vắng dần đều, đặc biệt từ khi TPHCM xuất hiện thêm nhiều hàng trăm ca dương tính mới, khách giảm rõ rệt" - chị cho hay. 

Việc bán hàng mang về ở quán chị là giải pháp cuối cùng, bởi không còn sự lựa chọn nào tốt hơn. Cũng như nhiều nơi, chị phải cắt giảm toàn bộ nhân viên, chỉ để lại duy nhất một người trông coi, bán hàng online ở quán.

"Cũng như nhiều quán cà phê, ngoài phục vụ đồ uống, chủ yếu là chúng tôi cung cấp trải nghiệm, ngắm cảnh, không gian cho khách hàng. Cho nên việc bán mang về với chúng tôi là trường hợp bất đắc dĩ. Chúng tôi hiểu điều đó, biết là lỗ nhưng vẫn phải cho quán duy trì vì không muốn mất đi những khách quen. Nhiều hôm cũng dở khóc dở cười khi gom mãi, gom từ sáng tới chiều mới được 10 - 15 đơn" - chị tâm sự.

Quán cà phê của chị Yến nằm trên một con phố sầm uất, đắt đỏ của Hà Nội, diện tích khá rộng với tầng 1 rộng 110 m2, tầng 2 là 68 m2. Theo thỏa thuận, mỗi tháng, chị phải trả 3.000 USD cho việc thuê nhà. Nếu quán chỉ bán được 10-15 đơn hàng mỗi ngày thì chị đang phải bù lỗ, gánh nợ cực lớn.

"Nói chung, quán giờ cũng chẳng có kế hoạch gì đâu, chỉ mong dịch bệnh nhanh qua để còn quay lại làm ăn, hoạt động như trước" - chị mong ước.

Gian nan tìm giải pháp

Sau nhiều lần đóng cửa, từ chối việc bán hàng mang về, quán cà phê sách của chị Hà trên đường Trần Đăng Ninh (Hà Nội) buộc phải tìm giải pháp mới. Lý do là nếu cứ đóng cửa suốt thì quán chị khó mà trụ nổi trong thời gian tới.

"Mọi người thường nghĩ quán ngừng phục vụ trực tiếp là có thể bán mang về nhưng không hiểu rằng, không phải quán nào cũng có thể bán mang về được. Nó còn phụ thuộc vào tệp khách hàng, mô hình mà quán đang hướng đến. Như quán tôi, mọi người đến quán không phải vì thiếu một cốc cà phê hay thiếu một cốc sinh tố mà họ đến đây để tìm không gian trải nghiệm, để đọc sách, để gặp gỡ, để họp hành" - chị nhận định.

Chị Yến cho rằng, dịch bệnh đang khiến nhiều doanh nghiệp chết lâm sàng khi nguồn thu giảm mạnh do các nhu cầu, chi tiêu của khách hàng đều bị hạn chế, thắt chặt trước làn sóng Covid-19.

Vì vậy, nếu doanh nghiệp không tìm được phương hướng mới thì sớm muộn gì cũng đóng cửa, phá sản. Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều người đang làm trong ngành F&B (dịch vụ nhà hàng và ăn uống).

Hàng quán giữa làn sóng Covid-19: Bán mang về vẫn khó trăm bề - 3

Không chịu nổi sức ép, nhiều cửa hàng buộc phải sang nhượng, trả lại mặt bằng (Ảnh: Đỗ Linh).

Chia sẻ với Dân trí, anh Hoàng Tùng, CEO của Pizza Home cho biết, năm ngoái, chuỗi của anh có tỷ trọng khách hàng đến ăn tại quán và khách hàng gọi mang về là 50/50. Khi dịch Covid-19 bùng nổ, anh cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các điểm bán phụ thuộc vào khách đến ăn tại quán.

"Thời điểm khó nhất, chúng tôi đã phải trả lại những mặt bằng không hiệu quả, dịch chuyển mô hình sang mảng giao đồ ăn và phát triển thêm mô hình mới. Rất may mắn là mô hình của chúng tôi hoạt động tốt. Và sau từng đợt dịch thì khả năng ứng biến của mô hình đã trở nên tốt hơn" - anh đánh giá.

 "Với tôi, giai đoạn 2020 - 2021 là một cuộc thanh lọc khắc nghiệt đối với những người làm F&B. Tôi chứng kiến rất nhiều bạn bè làm trong ngành đã không gượng nổi, phải ngừng kinh doanh. Theo tôi ngành F&B sẽ vẫn đi theo hai hướng là trải nghiệm và tối ưu"- anh Tùng nói với Dân trí.

Nhìn theo một hướng tích cực, CEO này nhận thấy, dịch Covid-19 chính là áp lực khiến nhiều doanh nghiệp F&B cần phải chuyển dịch mạnh mẽ hơn lên môi trường online, ứng dụng công nghệ nhiều hơn để tiếp cận khách hàng tốt hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm