Hàng loạt dự án nông nghiệp được Hậu Giang "trải thảm" mời gọi đầu tư

(Dân trí) - Trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác Kinh tế Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày 11/7, tại Hậu Giang đã diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Hậu Giang – tiềm năng đầu tư và phát triển” với hàng loạt dự án nông nghiệp được Hậu Giang "trải thảm" mời gọi đầu tư.

Quang cảnh hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hậu Giang chiều 11/7
Quang cảnh hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hậu Giang chiều 11/7

Theo đó, danh mục 7 dự án trọng điểm Hậu Giang mời gọi đầu tư gồm: Dự án nước khóm (dứa) cô đặc xuất khẩu vốn đầu tư khoảng 8 triệu USD, công suất 6000 tấn sản phẩm/năm; Dự án chợ nông sản chất lượng cao khoảng 150 triệu USD, diện tích 100 ha tại huyện Châu Thành A; Dự án nhà máy bảo quản, chế biến trái cây tỉnh Hậu Giang khoảng 50 triệu USD, vùng nguyên liệu 11,700 ha; kêu gọi đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang khoảng 50 triệu USD; dự án du lịch sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng 5 triệu USD; Dự án đầu tư vùng chăn nuôi tập trung Hậu Giang khoảng 45,5 triệu USD đã quy hoạch tại 3 huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy và Long Mỹ; dự án nuôi trồng thủy sản nước ngọt Hậu Giang khoảng 22,5 triệu USD.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lữ Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hậu Giang luôn chú trọng tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương.

Hậu Giang có nguồn nguyên liệu phong phú về nông, thủy sản, thời tiết thuận lợi, nguồn lao động rất dồi dào. Ngoài ra, Hậu Giang có thêm thuận lợi là giáp ranh với thành phố Cần Thơ - trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật của vùng ĐBSCL, nơi có hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội khá hoàn thiện.

Các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Hậu Giang
Các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Hậu Giang

“Về thủ tục đầu tư, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo giải quyết nhanh các thủ tục, thời gian được rút ngắn nhất là chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư. Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở ngành phối hợp tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất việc doanh nghiệp đi liên hệ với cơ quan Nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang thực hiện quan điểm nhất quán ở nơi nào trên địa bàn tỉnh có khó khăn của doanh nghiệp thì ở đó sẽ có mặt của chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ”- Ông Hùng nói.

Ngoài những ưu đãi theo quy định chung, khi nhà đầu tư vào Hậu Giang còn được hưởng một số ưu đãi của tỉnh như: Miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; hỗ trợ nhà đầu tư về mặt bằng thực hiện dự án; hỗ trợ chuyển giao công nghệ và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động; hỗ trợ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp; hỗ trợ chi phí quảng cáo, quảng bá sản phẩm.

Ông Trần Hữu hiệp, ủy viên chuyên trách kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: Hậu Giang xác định các mặt hàng nông sản chủ lực để tập trung đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ là hướng đi đúng, việc làm cần thiết, căn cơ nhưng cần đặt nó trong mối quan hệ liên kết vùng ĐBSCL và lợi thế so sánh để phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng đề nghị Hậu Giang cần triển khai đồng bộ nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc bảo đảm sản phẩm chủ lực phát triển một cách ổn định và bền vững. Có chính sách các nguồn vốn sáng tạo thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích nông nghiệp sáng tạo, nông dân khởi nghiệp. Đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào các sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL, trong đó có các sản phẩm chủ lực của tỉnh…

Phạm Tâm