Chưa có dự án đất vàng nào bị đình chỉ để thanh tra
(Dân trí) - "Đáng lẽ ra việc thanh kiểm tra thì cơ quan quản lý cứ lên danh sách, có phân kì kiểm tra và khi chưa có kết luận, chưa xem xét xử lý thì không nên công bố là có thất thoát này kia nhằm tránh "đổ oan" cho doanh nghiệp".
Đó là bình luận của ông Nguyễn Trần Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng về bản danh sách 60 dự án vừa được Bộ Tài chính chuyển Thanh tra Chính phủ tham khảo.
Liên quan đến bản danh sách này, chiều tối hôm nay (12/5/2017), Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) tiếp tục có kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ, khẳng định không có chuyện phải đình chỉ dự án
Chưa có dự án nào bị đình chỉ để thanh tra
HOREA cho biết, ngày 11/5/2017, HOREA đã có văn bản đề xuất 4 kiến nghị liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất theo văn bản số 2000/BTC-TTr ngày 15/2/2017 của Bộ Tài chính. Theo HOREA, văn bản của Bộ Tài chính có "kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá và phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng thẩm quyền".
Tuy nhiên, tại văn bản số 4393/VPCP-ĐMDN ngày 28/04/2017 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã không có chỉ đạo nội dung tạm thời đình chỉ thi công các dự án như kiến nghị của Bộ Tài chính.
Cụ thể, văn bản số 4393/VPCP-ĐMDN ngày 28/4/2017 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, như sau: "Bộ Tài chính chuyển danh sách các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư (theo phụ lục đính kèm) cho Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra năm 2017 của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng phê duyệt; Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định Luật Đất đai 2013 về bán đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với quy định về thu hồi đất".
"Do quan ngại trước kiến nghị của Bộ Tài chính về việc "tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá", nên Hiệp hội mới "kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vẫn cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền", để các chủ đầu tư yên tâm triển khai thực hiện dự án, trong khi chờ kết quả công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền", HOREA cho hay.
"Không thể nói dừng để kiểm tra"
Trao đổi với Dân trí, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HOREA cho biết: "Tôi khẳng định không có chuyện phải đình chỉ dự án vì Phó Thủ tướng khi phúc đáp cũng không có nội dung đó".
"Hiện nay, người tiêu dùng phản ánh với tôi rằng nếu chủ đầu tư có nghĩa vụ tài chính phát sinh thì chúng tôi có phải chịu thêm tiền không. Trong văn bản vừa qua, tôi khẳng định họ không có lỗi, họ là ngay tình nên thiệt hại nếu có thì chủ đầu tư và bên liên quan phải chịu, chứ người tiêu dùng không phải chịu. Còn đối với chủ đầu tư, khi đình chỉ là chết chủ đầu tư, tiền vay bạc hỏi, khi đình chỉ thì tiền vay, nợ gốc, chi phí dồn lên rất lớn", ông Châu nói.
Nói về bản danh sách 60 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng được Bộ Tài chính chuyển cho Thanh tra Chính phủ tham khảo, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: "Đáng lẽ ra việc thanh kiểm tra thì cơ quan quản lý cứ lên danh sách, có phân kì kiểm tra và khi chưa có kết luận, chưa xem xét xử lý thì không nên công bố là có thất thoát này kia nhằm tránh "đổ oan" cho doanh nghiệp".
"Bất động sản là lĩnh vực rất nhạy cảm nên chưa thanh tra, kiểm tra mà danh sách đã bị đưa lên là không nên.Tôi không chống việc thanh kiểm tra nhưng tôi không đồng tình việc anh đối xử với một số dự án mà mang tính chất nói trước, thậm chí võ đoán khi chưa kiểm tra trước", ông Nam nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh: "Thậm chí, cơ quan quản lý khi thanh kiểm tra thì cứ đi nhưng phải phát hiện sai phạm thì mới cho dừng dự án. Việc của doanh nghiệp là làm ăn, triển khai kí hợp đồng, họ vay vốn, có đảm bảo tiến độ, anh không thể nói dừng để kiểm tra. Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ngừng 1 ngày tốn kém như thế nào thì ai chịu, chưa kể khiến người tiêu dùng hoang mang, lo ngại".
Phương Dung