Hàng loạt điểm trông giữ xe vắng hoe vì phí gửi ô tô tăng gấp gần 3 lần
(Dân trí) - Từ 1/1/2018 thành phố Hà Nội đã áp dụng phí gửi xe mới. Theo đó, mức phí để một người đi làm 8 – 9 tiếng/ngày gửi ô tô lên tới 300.000 đồng, gấp gần 3 lần so với quy định trước.
Cụ thể, giá gửi ô tô tại các tuyến phố sẽ tăng theo từng giờ. Tại các quận trung tâm, với xe đến 9 chỗ ngồi và xe tải từ 2 tấn trở xuống, cứ hai giờ đầu tiên, mỗi giờ 25.000 đồng. Giờ thứ ba, thứ tư là 35.000 đồng và giờ thứ năm trở đi mỗi giờ 45.000 đồng.
Khảo sát tại các tuyến phố Trần Quang Khải, nhiều nhân viên trông giữ xe tại các bãi xe trên phố này cho biết: “Lượng khách vắng hẳn đi sau khi giá gửi xe tăng, chỉ được một nửa so với trước. Không những vậy, nhiều người không có iParking để đặt trước chỗ gửi, nên khách đã ít nay càng ít hơn.”
“Tuy là tuyến trung tâm, nhưng hầu hết trong bãi chỉ còn các xe gửi vé tháng của nhân viên các cơ quan gần đây. Tuy nhiên, mức giá gửi vé tháng cũng đã lên 2 triệu đồng nên nhiều khách cũng tính đường bỏ”, nhân viên trông giữ xe cho biết thêm.
Cách đó chừng 500m, một bãi gửi có sức chứa lớn hơn nhưng cảnh tượng thì khá đìu hiu. Người quản lý bãi cho biết: “Bãi này không sát hồ như một số tuyến phố phía trong, nhưng lượng khách gửi vãng lai cũng không ít, chủ yếu là xe ngoại tỉnh. Nhưng dân ngoại tỉnh lên gửi xe để đi chơi thì họ không đỗ nhanh nhanh chóng chóng, mà phải chơi cả ngày.”
“Nhưng chỉ 2 hôm nay, khách đều chạy sang các bãi tư quanh đây để gửi hết. Tuy nhiên, các bãi tư nhân thì giá ở mồm, không hề có vé, họ thích thu bao nhiêu thì thu”, người quản lý nói.
Tuy cuối tháng mới có thể biết được có bao nhiêu xe huỷ hợp đồng vé tháng. Nhưng nhiều người cũng đã rào trước với quản lý các bãi gửi xe là “để em tính”. Trong thời gian đó, họ sẽ tìm các bãi gửi tư nhân có chi phí thấp hơn, phù hợp với kinh tế hơn để gửi.
Tại tuyến phố lõi, gần Hồ Hoàn Kiếm như Đinh Lễ, trước đây nhân viên trông giữ xe tại đây luôn phải làm việc liên tục vì 19 chỗ gửi xe ở đây lúc nào cũng kín, xe vào ra cả ngày.
Tuy nhiên, người quản lý xe tại đây cho biết: “Ngày 1/1 thì vướng phố đi bộ, nên từ hôm qua, tại đây mới triển khai trông xe trở lại. Nhưng, lượng xe sụt giảm hẳn đi 2/3 so với trước đây.”
“Khu vực này xưa nay vốn ít có chỗ trống, nhưng thời điểm hiện tại, mỗi đầu chỉ có 1 xe đỗ. Khách không biết giá mới nên mình cũng báo giá luôn. Nhưng vừa nghe xong giá thì họ đi luôn. Thậm chí, hôm qua đã có một nhóm người doạ đánh nhân viên trông xe vì tưởng điểm này thu phí trông giữ xe giá “cắt cổ””, người quản lý cho hay.
Một nhân viên khác cho biết: "Đã có quy định mới nhưng nhiều khách không biết, họ nhất quyết không trả thêm tiền. Bởi, bình thường họ chỉ gửi 30.000 đồng/2 tiếng, nhưng hôm nay 1 tiếng 15 phút lại bị xé 2 vé, tương đương 50.000 đồng."
"Nhân viên trông xe có thể du di cho các trường hợp không quá 5 phút nhưng nếu sang phút thứ 6 thì số tiền trong máy tự động nhảy sang vé mới. Khách hàng bắt buộc phải thanh toán", nhân viên này cho biết thêm.
Cũng theo vị này: “Tính từ chỗ làm về nhà, cứ bán kính trên 5km thì họ đều đi ô tô rồi gửi vé tháng quanh đây. Nhưng hiện đã có 4 – 5 người làm ở khu vực này gửi thường xuyên chuyển sang đi xe máy.”
“Người thì ở Tây Hồ, người thì Gia Lâm, Long Biên,…nhưng họ tính toán ra nếu đi Uber, Grab thì sẽ rẻ hơn so với việc đăng ký gửi xe mà lại đỡ tiền xăng”, quản lý bãi xe nói.
Cùng suy nghĩ đó, anh Ngô Xuân Quý đang làm việc tại một ngân hàng trên đường Phan Chu Trinh, nhưng khi nghe tin phí gửi xe tăng lên cũng khá phân vân. Bởi, anh Quý vừa mua một chiếc xe ô tô cũ để tiện chở vợ đang bầu đi làm đỡ mưa nắng, do nhà ở tận Gia Lâm.
Nhưng sắp tới, khi sinh thêm cháu, các chi phí phải gồng gánh thêm đã nhiều, lại thêm khoản gửi xe tăng chóng mặt như này, anh Quý tính: “Thôi hôm nào trời đẹp thì đi xe máy đưa vợ đi. Mưa nắng thì bắt Grab, Uber, tránh giờ cao điểm ra thì cũng không đến nỗi nào.”
Thế Hưng