Hàng không toàn cầu có thể tổn thất 5 tỷ USD trong quý 1 vì Covid-19

(Dân trí) - Theo dự báo của Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO), doanh thu trong quý 1 năm 2020 của ngành hàng không có thể giảm từ 4 đến 5 tỷ USD vì virus Corona.

Hàng không toàn cầu có thể tổn thất 5 tỷ USD trong quý 1 vì Covid-19 - 1

Hàng không toàn cầu chao đảo vì dịch cúm Covid-19

Trong báo cáo mới nhất, ICAO khẳng định hậu quả của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona Covid-19 lên ngành hàng không thậm chí còn nặng nề hơn những gì diễn ra với đại dịch SARS vào năm 2003.

Tổ chức này cho biết có đến 50 hãng hàng không đã phải cắt giảm hoạt động, 70 hãng khác phải huỷ nhiều chuyến bay quốc tế, đặc biệt là các chuyến có đến Trung Quốc, làm giảm 80% công suất của toàn ngành nói chung và 40% công suất của các hãng Trung Quốc nói riêng.

Theo đó, con số 4 đến 5 tỷ USD là ước tính tổng thiệt hại doanh thu vì sự sụt giảm 40% lượng khách đi lại. Hiện số lượng hành khách đi lại bằng máy bay trong quý 1 năm nay đang thấp hơn đến 20 triệu lượt so với những phỏng đoán ban đầu của các hãng hàng không.

Một trong các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất là Nhật Bản khi ngành hàng không xứ sở hoa anh đào đã phải cắt giảm 16% tổng công suất các chuyến bay quốc tế trong những tuần rồi. Phần lớn trong số đó đến từ các đường bay nối trực tiếp Nhật Bản với Trung Quốc, với số lượng vé máy bay bán ra giảm đến 200.000 lượt.

ICAO cũng dự báo rằng Nhật Bản sẽ để mất 1,29 tỷ USD doanh thu đến từ ngành du lịch trong quý 1 năm nay, khi số lượng khách du lịch Trung Quốc giảm mạnh. Trong khi đó, một quốc gia cũng chú trọng du lịch là Thái Lan có thể chịu tổn thất đến gần 1,15 tỷ USD.

Dễ hiểu vì sao dịch bệnh bắt nguồn từ Vũ Hán lần này lại tác động mạnh đến ngành hàng không khi Trung Quốc từng chiếm đến 5,2% tổng các chuyến bay quốc tế. Đầu tuần này, con số trên đã giảm mạnh xuống chỉ còn 1,8%.

Khi nào thì ngành hàng không hồi phục?

Trong khi các hãng hàng không toàn cầu còn đang lo ngại ảnh hưởng lớn từ dịch Corona, công ty thống kê OAG chỉ ra rằng sẽ mất khoảng 6 tháng sau dịch bệnh để công suất cũng như nhu cầu của ngành phục hồi hoàn toàn. Nhận định trên được OAG đưa ra sau khi phân tích số liệu từ những đại dịch trước đây như SARS và Ebola.

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư cũng đang lo ngại tác động tiêu cực của dịch bệnh lên nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu. Một số chuyên gia nhận định rằng tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2020 sẽ giảm từ 0,2 đến 0,3%. Tăng trưởng GDP trong quý 1 của Trung Quốc sẽ chỉ đạt từ 0% cho đến 5% - thấp hơn rất nhiều so với mức 5,9% được dự báo trước đó. Để so sánh thì đại dịch SARS khi xưa đã từng khiến Trung Quốc thiệt hại 2% GDP và làm giảm 0,3% tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Thảo Trang

Theo Bloomberg