1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hàng không nội địa Việt Nam vẫn nhiều cơ hội

(Dân trí) - Trong khi nhiều người nghĩ rằng thị trường vận tải hàng không nội địa đã thuộc về “ông lớn” Vietnam Airlines thì Jetstar Pacific vẫn mạnh dạn bước vào thương trường và từng bước có lãi. Điều đó có nghĩa là các hãng hàng không khác cũng có cơ hội để cạnh tranh.

Cơ hội còn nhiều cho các hãng hàng không
 
Trên thị trường hàng không nội địa Việt Nam, ngoài “ông lớn” Vietnam Airlines (VNA) và Jetstar Pacific Airlines (JPA) thì những hãng hàng không đang được nhắc tới là Vasco, Viet Air, Air Mekong, Blue Sky Air... Còn Indochina Airlines và Vietjet Air thì gần như đã lui vào quá khứ vì đã lỡ hẹn bay quá nhiều lần.
 
Tuy nhiên, thực tế chỉ có 2 hãng là VNA, JPA là khai thác bay chủ yếu trên thị trường, vì vậy nhiều đường bay nội địa luôn trong tình trạng quá tải.
 
Bằng chứng là mới đây UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị VNA tăng tần suất khai thác đường bay Đà Nẵng - Đà Lạt nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách đang quá tải. Nhưng phía VNA, ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc VNA cho hay hiện VNA không đủ máy bay để đáp ứng yêu cầu đó.
 
Hàng không nội địa Việt Nam vẫn nhiều cơ hội - 1

Trên thị trường hàng không nội địa hiện nay, VNA đang là "ông lớn" mà bất kỳ hãng hàng không mới nào cũng muốn... tránh
 
Trong một diễn biến khác, với việc đưa 4 máy bay hiệu Bombardier loại CRJ 900 (90 chỗ) về nước và tuyển được đội ngũ phi công, tiếp viên, Air Mekong gần như chắc chắn sẽ khai trương vào ngày 10/10 tới đây trên các đường bay khai thác là Hà Nội - Đà Nẵng, TPHCM, Nha Trang, Đà Lạt; Hà Nội - Phú Quốc; TPHCM - Phú Quốc; TPHCM - Côn Đảo, Ban Mê Thuột, Hải Phòng, Vinh...
 
Đại diện Air Mekong cho biết đang chờ Cục Hàng không Việt Nam duyệt chứng chỉ người khai thác tàu bay (AOC), sau đó hãng này sẽ công bố các hoạt động khai thác thương mại.
 
Sẽ cạnh tranh khốc liệt
 
Năm 2009, tổng số hành khách qua Cảng Hàng không Việt Nam tăng tương ứng 4 lần so với năm 2000. Trong 7 tháng đầu năm 2010, lượng khách đi lại bằng đường hàng không tăng tới 33% so với cùng kỳ năm 2009. Những con số này chứng tỏ thị trường hàng không Việt Nam đang tăng trưởng và cạnh tranh rất mạnh.
 
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã cấp phép cho Công ty CP Hàng không Bầu Trời Xanh (Blue Sky Air) được phép khai thác trực thăng, thủy phi cơ và tất cả các loại máy bay cánh bằng khác.
 
Khi tham gia “làng” hàng không nội địa, Blue Sky Air đã thể hiện ưu điểm của mình ở thị trường Việt Nam với ý tưởng kinh doanh bay du lịch, phục vụ đối tượng hành khách hạng thương gia.
 
Cuộc sống hiện đại, nhu cầu đi lại cơ động, an toàn và tiết kiệm thời gian là những sự đòi hỏi của nhiều đối tượng khách hàng. Với khoảng 20 tuyến bay du lịch đang đăng ký, khả năng cất và hạ cánh ở nhiều địa hình, địa điểm du lịch, vì vậy trong tương lại không xa Blue Sky Air có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của xã hội.
  
Hàng không nội địa Việt Nam vẫn nhiều cơ hội - 2
Dịch vụ hàng không cũng là một trong những yếu tố cạnh tranh cơ bản của các hãng
 
Trao đổi với PV Dân trí về sự cạnh tranh của các hãng hàng không trên thị trường nội địa, ông Lại Xuân Thanh - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam cho biết: “Bắt đầu từ những chính sách và quy định của phát luật về thành lập các hãng hàng không mới thì sự cạnh tranh trên thị trường nội địa của Việt Nam là một xu thế tất yếu.
 
Sự tham gia của 2 hãng hàng không mới là Air Mêkông và Blue Sky Air là khá chắc chắn. Nói chắc chắn bởi ngay khi bắt đầu “khởi nghiệp” những hãng này đã có sự đầu tư kỹ càng cả về nhân lực và phương tiện, điều đó là yếu tố quan trọng để hiện diện lâu dài trên thị trường”.
 
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, 1 thời gian nữa, khi các hãng hàng không tập trung khai thác trên những đường bay mang tính thương mại thì sự cạnh tranh càng ngày càng khốc liệt.
 
“Điều kiện cạnh tranh là phải có thị trường, mà theo đánh giá hiện thị trường Việt Nam rất khả quan. Khi người ta cứ nghĩ rằng thị truờng vận tải hành khách nội địa thuộc về “ông lớn” VNA nhưng JPA vẫn “mạnh dạn” bước vào cuộc cạnh tranh khai thác nội địa và có lãi, điều đó có nghĩa là các hãng hàng không khác cũng có cơ hội và cạnh tranh lành mạnh. Cuộc cạnh tranh của các hãng hàng không hiện nay đang rất mạnh và hành khách luôn là người được hưởng lợi” - ông Thanh nhận định.
 
Quỳnh Anh