1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hàng hóa Việt vào châu Âu: Cơ hội “vàng” nhưng đầy rẫy thách thức

Đại Việt Thúy Hằng

(Dân trí) - Muốn hàng hóa vào được thị trường châu Âu thì nguồn nguyên liệu của Việt Nam phải “sạch”, an toàn. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường cũng là một thách thức đối với hàng hóa của các doanh nghiệp Việt.

Hàng hóa Việt vào châu Âu: Cơ hội “vàng” nhưng đầy rẫy thách thức - 1

Chương trình Đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) diễn ra tại TPHCM. Ảnh: Thúy Hằng

Ngày 28/7, tại TPHCM đã diễn ra chương trình Đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): Phát triển kinh tế và nắm bắt cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM cho biết, EVFTA đã mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và cả các doanh nghiệp châu Âu.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận được những máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại từ châu Âu. Và ngược lại, các doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp cận được nguồn nguyên vật liệu phong phú từ các doanh nghiệp Việt Nam.

“Đây là cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa sang thị trường hơn nửa tỷ dân như Liên minh châu Âu (EU) với sức tiêu thụ mạnh. Trong đợt dịch Covid-19 hoành hành, Việt Nam đã khẳng định được là một điểm đến an toàn để làm việc và là một quốc gia rất đáng để các doanh nghiệp châu Âu đầu tư lâu dài”, ông Hiến nói.

Theo ông Hiến, Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp nên cần tập trung chú trọng vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phải “chạy đua” với công nghệ cao.

Thách thức của các doanh nghiệp Việt đó chính là phải tạo ra được nguồn nguyên liệu sạch, an toàn để cung cấp cho thị trường châu Âu. Ngoài ra, thách thức về ô nhiễm môi trường cũng là một trở ngại với hàng hóa của Việt Nam khi “bước” vào châu Âu.

Ông Hiến đề xuất, các cơ quan chức năng, các tham tán thương mại cần tạo điều kiện tổ chức nhiều cuộc trao đổi, xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp châu Âu để doanh nghiệp Việt hiểu thêm về mong muốn, nhu cầu của đối tác.

Việt Nam luôn mở cửa chào đón các nhà đầu tư. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương cũng cần nói không với các doanh nghiệp đầu tư công nghệ lạc hậu. Bởi, công nghệ lạc hậu không mang lại giá trị gia tăng lớn và thường không thân thiện với môi trường.

Hàng hóa Việt vào châu Âu: Cơ hội “vàng” nhưng đầy rẫy thách thức - 2

Những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn có rất nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu. Ảnh: Thúy Hằng

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) chia sẻ, EU là thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 5 của Việt Nam. Châu Âu là thị trường nhập khẩu ổn định và đây cũng là thị trường xuất khẩu đồ gỗ rất lớn.

“Việt Nam xuất khẩu nhiều nguyên liệu gỗ vào thị trường châu Âu và ngược lại, châu Âu cũng xuất sang Việt Nam nhiều sản phẩm đồ gỗ đa dạng. EVFTA cũng sắp có hiệu lực vào vài ngày tới. Tuy nhiên, tính lan tỏa của hiệp định này là chưa nhiều”, ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, các hiệp hội ngành nghề ở châu Âu cũng như Việt Nam cần cung cấp nhiều thông tin hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên dù dịch Covid-19 đang hoành hành cũng phần nào cản trở sự cố gắng của các bên.

“Chính vì dịch bệnh hoành hành kéo dài nên chúng tôi sẽ khai trương một sàn thương mại điện tử chuyên bán các sản phẩm đồ gỗ với tổng diện tích các cửa hàng trưng bày lên tới 25.000 m2. Việc này sẽ tăng cơ hội kết nối cho các doanh nghiệp trong ngành nhất là trong mùa dịch. Hi vọng, EVFTA sẽ phần nào kéo giảm một phần thiệt hại do Covid-19 gây ra”, ông Phương nói.

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, EVFTA sẽ mở ra một làn sóng thương mại và đầu tư mới. Đây là hiệp định thương mại tự do thứ hai được ký giữa EU với một quốc gia thành viên ASEAN. Điều này cho thấy EU rất coi trọng quan hệ với Việt Nam.

Theo ông Jean-Jacques Bouflet, cải cách hành chính sẽ là chìa khóa để Việt Nam "mở" được toàn bộ lợi ích của EVFTA và thu hút đầu tư trực tiếp từ châu Âu một cách mạnh mẽ.

Cũng theo khảo sát của EuroCham, lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu đã đánh giá tích cực hơn về môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam trong vài tháng sau khủng hoảng dịch Covid-19. Doanh nghiệp châu Âu cũng có cái nhìn lạc quan hơn về môi trường kinh doanh tại việt Nam.

Cũng tại buổi đối thoại, đại diện Eurocham cho rằng, đơn vị này sẵn sàng hợp tác với các sở ngành của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung để cải cách các thủ tục đầu tư vào Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành một điểm đầu tư hấp dẫn hàng đầu trong khu vực.

Hàng hóa Việt vào châu Âu: Cơ hội “vàng” nhưng đầy rẫy thách thức - 3

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại buổi đối thoại với EuroCham. Ảnh: Thúy Hằng

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, lãnh đạo thành phố đã lắng nghe sự chia sẻ của đại diện các hiệp hội và đó là những sự chia sẻ vô cùng ý nghĩa.

“TPHCM cũng như nhiều địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để phục hồi nền kinh tế do Covid-19 gây ra. Và chỉ còn 3 ngày nữa là EVFTA có hiệu lực, đây cũng là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp. TPHCM xin ghi nhận các ý kiến một cách đầy đủ và cam kết sẽ triển khai những hành động cụ thể trong quý 3/2020”, ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong, dự kiến, Hiệp định EVFTA sẽ mang lại mức tăng GDP bình quân cho Việt Nam từ 2,18 – 3,25% cho giai đoạn 5 năm tới. TPHCM cũng sẽ được hưởng nhiều lợi thế, đặc biệt là các mặt hàng như nông sản, dệt may, da giày…

Ngược lại, châu Âu là đối tác xuất khẩu truyền thống lớn của TPHCM sau Hoa Kỳ, Trung Quốc. Đồng thời, châu Âu cũng là đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 của TPHCM sau Trung Quốc.

“Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sang châu Âu đạt hơn 5 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2020 dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sang châu Âu vẫn đạt 2,3 tỷ USD. Đây là những kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, kết quả này vẫn chưa tương xứng với năng lực của 20.000 doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn thành phố”, ông Phong chia sẻ.

Cũng theo ông Phong, TPHCM sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp châu Âu đến đầu tư, kinh doanh tại thành phố và giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận, phát triển tại thị trường châu Âu.