Hàng "độc" tăng sinh lực tại các nhà hàng miền Tây
Thịt le le (một loại chim gần giống vịt trời) đang được coi là “hàng độc”, là món đại bổ có khả năng phục hồi sức khỏe và tăng cường sinh lực.
Hiện nhiều nhà hàng đã coi món le le như một món ăn có đẳng cấp và thường dành cho giới thượng lưu. Riêng những người sành điệu ẩm thực thì coi le le là “hàng độc”, là món đại bổ có khả năng phục hồi sức khỏe và tăng cường sinh lực. Do vậy, hiện nay trong thực đơn của nhiều nhà hàng, quán ăn đặc sản miền Tây đều giới thiệu món le le xào bầu, le le quay nước dừa…và coi đó là món ngon hảo hạng. Lại có người cho rằng thịt le le rất bổ dưỡng, từng là món tiến vua một thời nên ai cũng muốn thưởng thức.
Thịt le le ngày càng trở nên quý hiếm và giá đắt hơn thịt vịt cả chục lần, đã khiến nhiều người dân vùng sông nước ĐBSCL nghĩ đến cách đưa loài chim - trước đây vốn chỉ nuôi làm cảnh - về nuôi để cung ứng cho các nhà hàng, quán nhậu.
Tại huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, ông Phan Thành Ngôn đã nuôi thành công le le thịt để xuất sang Trung Quốc từ một hai năm trước. Lúc đó ông chỉ mua le le con do nhưng người chuyên săn bắt từ rừng đem vể vỗ béo. Học từ ông Ngôn, hiện nay, nhiều người đã nuôi le le cho đẻ, ấp trứng để tăng đàn. Anh Sa Lê, một người Chăm ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành – An Giang đang xây dựng một trại nuôi le le quy mô cho biết, le le đẻ từ tháng 9 và mỗi con đẻ trung bình từ 8 – 10 trứng.
Le le là giống chim quen sống trong tự nhiên, nên để thuần chúng, anh không nhốt chuồng mà thả rong cho le le tự do bơi lội tự nhiên trên mặt nước rộng khoảng 1.000m2 với khoảng vài trăm con. Xung quanh hồ có bờ bao và hàng rào bao bọc, để ngăn chúng về với rừng. Trên bờ anh cất láng trại để cho le le vào làm tổ. Thức ăn của le le cũng rất đơn giản, chỉ có lúa, rong rêu và lục bình. Từ lúc trứng nở đến lúc trưởng thành, có thể bán thịt là khoảng 8 tháng. Còn nếu bắt được le le con từ tự nhiên, thì việc nuôi sẽ rất đơn giản, chúng mau lớn không khác gì nuôi gà thịt.
Theo Hoài Vũ
Đất Việt