1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàng cơm bụi chờ ngày đẹp mở cửa, dân văn phòng đỏ mắt tìm bữa cơm thường

(Dân trí) - Hôm nay đã là mùng 5 Tết nhưng đa phần các quán cơm bụi vẫn đóng cửa im ỉm dù nhiều công nhân, viên chức đã phải đi làm. Điều này khiến họ tìm đỏ mắt cũng không có quán cơm nào mở cửa để mua được một suất cơm ngày thường khi đã quá ngán đồ ăn Tết.

Một quán cơm bình dân nổi tiếng trên phố Lý Thường Kiệt vẫn đóng cửa im ỉm trong hôm nay (20/2 tức mùng 5 Tết). (Ảnh: Hồng Vân)
Một quán cơm bình dân nổi tiếng trên phố Lý Thường Kiệt vẫn đóng cửa "im ỉm" trong hôm nay (20/2 tức mùng 5 Tết). (Ảnh: Hồng Vân)

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, hầu như các hàng quán ăn, cơm bình dân năm nay đều sẽ mở hàng vào ngày mùng 6 hoặc mùng 8 Tết.

Giải thích cho điều này, một số chủ hàng cơm chia sẻ rằng, do hai ngày này là ngày đẹp, tốt cho việc mở hàng. Hơn nữa, đây cũng là ngày mọi người bắt đầu phải đi làm nên mở hàng sẽ có nhiều khách, đem lại may mắn cho cả năm.

Tuy nhiên, đối với nhiều người đã phải đi làm từ sớm, thậm chí không có ngày nghỉ Tết thì việc những hàng cơm bụi, cơm văn phòng chờ đến mùng 6 Tết mới mở hàng là rất bất tiện.

Cụ thể, anh Hùng, nhân viên bảo vệ tại một trung tâm trên đường Lê Thanh Nghị cho biết: “Một hai ngày đầu Tết tôi và anh em đồng nghiệp còn ăn nhậu được chứ đến giờ thì ngán tận cổ, tôi cũng cố tìm hàng cơm bình dân xung quanh khu này để ăn bữa cơm ngày thường nhưng không hề có, họ đều bảo mùng 6 mới mở hàng”.

Nhiều chủ nhà hàng, quán cơm hôm nay mới đến dọn dẹp để chuẩn bị cho ngày mai mở hàng. (Ảnh: Hồng Vân)
Nhiều chủ nhà hàng, quán cơm hôm nay mới đến dọn dẹp để chuẩn bị cho ngày mai mở hàng. (Ảnh: Hồng Vân)

Bên cạnh đó, anh Hải, một công chức văn phòng phải đi làm từ mùng 3 Tết cho biết: “Do đặc thù công việc nên cơ quan tôi một số người phải đi làm từ mùng 3 nhưng các quán ăn, hàng cơm bụi xung quanh hay kể cả xa đây cũng đều không mở cửa. Tìm đỏ mắt cũng không mua được hộp cơm bụi ngày thường để ăn trưa vì ăn đồ Tết cũng ngấy lắm rồi”.

Đáng nói, anh Việt Anh, nhân viên tại một công ty truyền hình kỹ thuật số cho biết, anh phải đi làm từ mùng 2 Tết, từ đó đến nay anh đều phải mang cơm nhà nấu đến công ty ăn vì không có quán cơm trưa nào mở cửa.

“Ngày đầu tôi còn mang đồ ăn Tết đi nhưng sang đến ngày thứ hai thì tôi phải bảo vợ nấu mấy món ngày thường như rau luộc, lạc rang,... để ăn cho đỡ ngấy”, anh Việt Anh thật thà chia sẻ.

Một dãy quán cơm, bánh cuốn, miến lươn trên phố Tông Đản, Hà Nội cũng chưa mở hàng. (Ảnh: Hồng Vân)
Một dãy quán cơm, bánh cuốn, miến lươn trên phố Tông Đản, Hà Nội cũng chưa mở hàng. (Ảnh: Hồng Vân)

Anh Huy, nhân viên văn phòng của một công ty trên phố Trần Hưng Đạo cũng chia sẻ: “Mấy ngày Tết ăn nhậu đã ngán tận cổ, hôm nay tôi đi làm nên hí hửng được ăn bữa cơm bụi ngày thường nhưng chưa thấy hàng quán nào mở cửa, bí quá đành ra hàng nhậu gọi 1 suất... cơm rang”.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chủ một số hàng cơm bình dân trên phố Lý Thường Kiệt, Tông Đản, Nguyễn Khắc Cần,... cho biết rằng họ cũng biết nhiều người phải đi làm trước hôm mùng 6 Tết và có nhu cầu ăn cơm bình dân nhưng đi xem thì thấy bảo năm nay mùng 6 đẹp ngày, hơn nữa hôm đó mọi người đều đi làm trở lại sau kì nghỉ Tết nên mở hàng cũng đắt khách hơn.

Ngoài ra, một chủ hàng cơm văn phòng khá nổi tiếng trên phố Lý Thường Kiệt nói thêm: "Cũng biết là khách hàng có nhu cầu, nhất là ngày Tết nếu có mỗi cửa hàng mình mở sớm thì sẽ càng đông khách nhưng tôi đi xem bói thấy bảo mùng 6 mới nên mở hàng thì cũng nghe theo thôi chứ không dám làm trái, sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến việc buôn bán cả năm".

Hồng Vân

Hàng cơm bụi chờ ngày đẹp mở cửa, dân văn phòng đỏ mắt tìm bữa cơm thường - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm