“Hàn thử biểu” của nền kinh tế đang bị tê liệt?

(Dân trí) - Bất chấp các thông tin vĩ mô tích cực liên tục được công bố, trong tuần vừa qua, thị trường chứng khoán giao dịch bấp bênh và có thời điểm VN-Index trở về dưới mốc đầu năm. Dường như “hàn thử biểu” của nền kinh tế đang không hoạt động?

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần giao dịch đầy kịch tính
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần giao dịch đầy kịch tính

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Gắn trách nhiệm của lãnh đạo với cổ phần hóa

* Nhật Bản đang “xuất khẩu” giảm phát

* Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Đề phòng quỹ ngoại tiếp tục rút vốn

* Thương mại Việt Nam – Peru tăng gấp đôi trong 2014

* 1/4 vốn FDI Ấn Độ sang Việt Nam “chảy” vào khai khoáng

* Từ chối tỉ phú Singapore, bầu Đức bắt tay với tỉ phú Hồng Kông?

Những ngày vừa qua, mặc dù liên tục đón nhận những thông tin vĩ mô tích cực về tình hình kinh tế quý I/2015 song thị trường chứng khoán Việt Nam dường như đang không còn đóng vai trò là “hàn thử biểu” của nền kinh tế trong quý đầu năm.

Theo RongViet Research, trụ cột nâng đỡ tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 là hoạt động sản xuất của lĩnh vực công nghiệp đã có sự xác nhận tín hiệu về “độ bền” của tăng trưởng trong quý I/2015. 

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng 9,1% so với cùng kỳ (cao hơn so với mức tăng 5,3% năm 2014 và 4,9% năm 2013). Trong đó, nhóm phân tích cũng lưu ý thấy, trong các chỉ số thành phần dùng để tính tăng trưởng GDP, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt 9,01% so cùng kỳ, đóng góp 1,4 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP quý I/2015. Đồng thời, trong báo cáo gần đây của HSBC mới công bố, chỉ số quản trị người mua hàng (PMI) tháng 3 cũng đã tiếp tục duy trì sự mở rộng, thể hiện qua việc duy trì trên mức 50 điểm trong 19 tháng liên tiếp.

Cũng theo RongViet Research, trong khảo sát xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Tổng cục Thống kê, phần lớn các doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất duy trì ổn định trong quý I/2015. 

Thêm vào đó, qua kết quả khảo sát xu hướng trong quý II/2015 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng số đơn hàng sản xuất và xuất khẩu khả quan hơn so với quý I/2015 tăng mạnh, tương ứng với 52,1% và 42,9%. 

Như vậy, sự ổn định từ nhiều mặt đã tạo ra sự tăng trưởng tích cực của doanh nghiệp sản xuất khi nhu cầu tiêu dùng cải thiện. Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng lưu ý một điều rằng sự phục hồi tích cực của hoạt động sản xuất công nghiệp không phản ánh lên toàn bộ các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam. 

Quan ngại lớn nhất đến thời điểm này chính là sự tích cực của tăng trưởng GDP và sản xuất công nghiệp có động lực phần nhiều đến từ nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, tình hình doanh nghiệp trong nước vẫn đang có dấu hiệu khó khăn. Cụ thể, quý I/2015 cả nước có đến 16.175 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

Lý do trên kết hợp với dòng tiền yếu do ảnh hưởng tâm lý đến từ một số chính sách điều hành (Thông tư 36 và 210) đã khiến thị trường lao dốc liên tục từ đầu tháng 3 đến nay. 

Trong tuần này, các chỉ số biến động tăng giảm xen kẽ song VN-Index tiếp tục mất thêm 0,63% và HNX-Index mất 0,57%. Nhìn lại diễn biến tuần qua, với việc thiếu thông tin hỗ trợ “mới”, thị trường giao dịch “bấp bênh” và có thời điểm VN-Index trở về dưới mốc đầu năm. 

Theo đánhg giá của RongViet Research, tâm lý nhà đầu tư khá bất ổn và dễ bị ảnh hưởng bởi các tin đồn trên thị trường, trong khi đó những thông tin vĩ mô tích cực (GDP quý I/2015, PMI, tăng trưởng doanh thu bán lẻ) không mang lại hiệu ứng rõ ràng đối với tâm lý nhà đầu tư. Đối với diễn biến của các nhóm ngành trong tuần, cũng không có nhóm ngành nào trở thành tâm điểm quan sát thị trường trong tuần qua.

Tuy nhiên, hoạt động của khối ngoại là một yếu tố nổi bật nhất trong tuần dù mức mua không lớn. Cụ thể, khối ngoại mua ròng khoảng 49 tỷ đồng trên cả hai sàn, trái ngược với giá trị bán ròng 710 tỷ của tuần giao dịch trước. Trong tuần này, khối ngoại tập trung mua ròng CII và nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng (VCB, BID). Trong khi đó, khối này tiếp tục bán ròng các cổ phiếu ngành dầu khí (PVD, GAS).

Đối với diễn biến thị trường trong tuần tới, chuyên viên thị trường đánh giá do không còn phản ánh những ảnh hưởng của Thông tư 36 và Thông tư 210, thị trường trong tháng 4 được dự báo sẽ “tươi sáng” hơn. 

Thời gian tới, yếu tố kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp là một yếu tố đang được nhiều nhà đầu tư chờ đợi. Thông tin tốt về kết quả kinh doanh quý I/2015 có thể mang đến sự hỗ trợ về mặt giao dịch đối với giá cổ phiếu trong điều kiện hiện nay, tuy nhiên sẽ chỉ giới hạn trong một vài nhóm ngành có triển vọng tốt trong năm 2015 – theo RongViet Research.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”