Hải quan hỏa tốc yêu cầu tạm dừng xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24/3/2020
(Dân trí) - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành vừa ký công điện hỏa tốc yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, các đơn vị liên quan tạm dừng xuất khẩu gạo dưới mọi hình thức.
Thời gian tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24/3/2020.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trực thuộc giải quyết thủ tục thông quan theo đúng quy định đối với các lô hàng xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước 0 giờ ngày 24/3/2020.
Cục Quản lý rủi ro thiết lập tiêu chí đưa mặt hàng gạo các loại thuộc các phân nhóm HS: 1006.20, 1006.30. và 1006.40 vào diện cấm xuất khẩu.
Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác đấu tranh, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng gạo các loại qua biên giới và xử lý vi phạm theo quy định.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 3, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài đạt trên 370.000 tấn, kim ngạch hơn 171 triệu USD, tính đến hết ngày 15/3/2020, Việt Nam xuất gần 1,3 triệu tấn gạo, kim ngạch 600 triệu USD, bình quân hơn hơn 10,6 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, cùng kỳ năm 2019, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt hơn 1 triệu tấn, kim ngạch hơn 447 triệu USD, giá bình quân hơn 10,2 triệu đồng/tấn.
Cũng về số liệu gạo xuất khẩu, theo Bộ NN&PTNT, 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt khoảng 900.000 tấn, kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán, thị trường gạo rất sôi động, giá chào bán xuất khẩu cũng như trong nước tăng 30 - 50 USD/tấn, tuỳ theo chất lượng và loại gạo.
Giá gạo tăng đều ở tất cả phân khúc, chủng loại, biên độ tăng mạnh, thời gian tăng giá nhanh ngoài dự đoán của doanh nghiệp. Ông Quế cho hay, thông thường diễn biến giá gạo tăng - giảm được điều chỉnh theo quý hoặc năm, nhưng gần đây được điều chỉnh theo tuần. Đó là điều hiếm xảy ra, nhất là trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long đang vào chính vụ thu hoạch Đông Xuân.
Giá gạo Việt Nam hiện nay đang gần bằng gạo Thái, cao hơn gạo Myanmar, Pakistan và Ấn Độ - những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam.
An Linh