1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hải quan các tỉnh "tuyên chiến" với thuốc và thực phẩm chức năng giả

(Dân trí) - Tổng cục Hải quan vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu cục Hải quan các tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai các biện pháp đấu tranh, phòng chống tội phạm về thuốc, thực phẩm chức năng (TPCN) và thiết bị y tế giả tại Việt Nam ngay trong tháng 3/2016 này.

Theo Tổng cục Hải quan, các đơn vị phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tất cả các lô hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế nhập khẩu trong thời gian tới.


Thực phẩm chức năng, thuốc tân dược giả bị phát hiện và xử lý

Thực phẩm chức năng, thuốc tân dược giả bị phát hiện và xử lý

Tổng cục Hải quan lưu ý, trong quá trình kiểm tra, cần xét kỹ giấy phép nhập khẩu do cơ quan quản lý chuyên ngành cấp cho lô hàng nhập khẩu. Nếu trường hợp phát hiện lô hàng không đủ điều kiện nhập, cơ quan hải quan kiên quyết dừng thông quan và xử lý vụ việc theo quy định.

Tại thị trường trong nước, lực lượng liên ngành phải kiểm sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật liên quan đến chính sách mặt hàng, chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa và sở hữu trí tuệ. Xác định các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng giả là thuốc, TPCN và sản phẩm y tế giả có tính nghiêm trọng, phức tạp, ảnh hưởng đến dư luận và sức khỏe cộng đồng.

Trước đó, ngày 21/12/2015, Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol) đã tổng kết chiến dịch mang tên Storm VI nhắm vào các nhóm tội phạm sản xuất hàng tân dược giả, thu hàng triệu USD sản phẩm tân dược giả, kém chất lượng tại các nước châu Á, trong đó, Việt Nam được xác định là một mắt xích trong đường đi và đích đến của tân dược, TPCN giả.

Kết quả của Chiến dịch này, Interpol đã thu giữ hơn hai tấn thuốc giả, giá trị khoảng 7 triệu USD. Trong số tân dược giả bị thu giữ có nhóm kháng sinh, thuốc trị tăng huyết áp, vắc xin phòng dại, thuốc giảm cân và cả thuốc trị bệnh ung thư...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), quy mô sản xuất, kinh doanh tân dược giả rất đa dạng và khó xác định, khoảng 10% dược phẩm hiện đang lưu hành trên thế giới là hàng rởm, hàng nhái. Hậu quả làm cho khoảng 800 nghìn người bị thiệt mạng mỗi năm. Tỷ lệ thuốc giả tại các nước đang phát triển ước khoảng 30%, trong khi tại các nước mới nổi là 15%, còn ở các nước phát triển là 1%.

Mới đây, tổ chức Interpol cũng phát đi thông điệp đề nghị các nước (trong đó có Việt Nam) sớm triển khai chiến dịch Storm VII nhằm chặn đứng đường dây hàng giả xuyên quốc gia, có doanh thu hàng triệu USD mỗi năm.

Tại Việt Nam, các vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng liên quan đến thuốc tân dược, TPCN và sản phẩm y tế giả mấy năm nay có chiều hướng gia tăng, gây hiệu ứng xấu trong dư luận xã hội.

Riêng trong năm 2015, lực lượng liên ngành gồm Hải quan, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và cơ quan công an đã phát hiện và triệt phá hơn 251 cơ sở sản xuất kinh doah TPCN, thu về cho Ngân sách số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất là vụ triệt phá đường dây sản xuất và kinh doanh thực phẩm quy mô lớn tại Hà Nội tháng 6/2015, thu giữ hơn 20 tấn TPCN giả của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, gây rúng động dư luận.

Gần nhất, trong tháng 1/2016, lực lượng chức năng cũng bắt giữ và xử lý hơn 1.000 sản phẩm TPCN giả chuẩn bị được đưa ra thị trường TP.HCM. Các sản phẩm này đều có xuất xứ từ Trung Quốc và mang các thương hiệu ngoại nổi tiếng.

Mặc dù sản xuất, kinh doanh thuốc, TPCN và các sản phẩm y tế giả có doanh thu và lợi nhuận cực lớn; có tác động trực tiếp đến sức khỏe, an toàn và tính mạng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện cơ chế và hành lang pháp luật xử phạt cá nhân liên quan vẫn được xếp vào nhóm tội danh sản xuất hàng giả với mức độ xử phạt hành chính.

Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định, các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; Các cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng bị phạt hành chính với số tiền từ 10 - 40 triệu đồng/vụ; phạt tù từ 2 - 10 năm.

Với những vụ việc, sản phẩm ảnh hưởng trực tếp đến sức khỏe người tiêu dùng, nghi phạm có thể bị áp dụng án hình sự, mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát hiện nạn nhân đã sử dụng thuốc, TPCN hoặc sản phẩm y tế giả gây chết người còn nhiều khó khăn vì không thể ràng buộc trách nhiệm doanh nghiệp khi dùng sản phẩm bị làm giả, dẫn đến hậu quả vẫn là người tiêu dùng gánh chịu.

Nguyễn Tuyền

Hải quan các tỉnh "tuyên chiến" với thuốc và thực phẩm chức năng giả - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm