1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hai “làn gió mát” thổi vào kinh tế tháng 6

(Dân trí) - Hòa nhịp cùng thị trường chứng khoán Việt Nam sôi động với những “đợt sóng” tăng giá và liên tục xác lập các mức Index mới, thị trường viễn thông Việt Nam cũng đang “dậy sóng” không kém với cuộc đua giảm giá cước mới.

Hai “làn gió mát” thổi vào kinh tế tháng 6 - 1
Chứng khoán và viễn thông di động đang góp phần thúc đấy nền kinh tế (ảnh: Hữu Nghị).
 
Nếu như đợt sóng tăng giá của thị trường chứng khoán được tạo lập nên từ “số đông” (nhà đầu tư), thì đợt sóng giảm giá cước của viễn thông lại được tạo lập bởi “số ít” (các nhà mạng) nhưng tất cả đều là “làn gió mát” tác động tích cực lên nền kinh tế.

Viễn thông di động ồ ạt giảm cước

Khởi đầu cho làn sóng giảm giá cước này, Viettel từ 1/6 đã chính thức giảm cước thuê bao tháng xuống còn 50.000 đồng (trước đây là 59.000 đồng); cước gọi nội mạng và ngoại mạng cũng giảm 100 đồng/phút.

Đối với các gói cước trả trước (Economy, Tomato, Ciao, Happy Zone; Daily, Cha và Con…) giá cũng được điều chỉnh giảm từ 10 - 30% cho mỗi hạng mục cước gọi. Cùng với giảm cước, nhà mạng này cũng công bố tung ra 2 gói dịch vụ mới rất hấp dẫn.

Theo đó, gói cước Sinh viên (trả trước) hội tụ tất cả những tính năng ưu việt nhất từ các gói cước hiện có của Viettel: Mức cước thoại và nhắn tin rẻ nhất và không giới hạn thời gian sử dụng. Trong suốt thời gian sử dụng cho tới khi tốt nghiệp ra trường, mỗi tháng, thuê bao sinh viên còn được cộng 25.000 đồng vào tài khoản.

Còn với gói cước VIP (trả sau), khách hàng chỉ phải trả phí thuê bao 250.000 đồng/tháng và được sử dụng miễn phí 200 phút thoại và 200MB khi sử dụng dịch vụ Data. Ngoài ra sẽ được miễn phí thuê bao tháng các dịch vụ như: MCA, Imail...

Chỉ vài ngày sau khi Viettel áp dụng giá cước mới, ngày 5/6 Vinaphone cũng công bố áp dụng đợt giảm cước lớn nhất của mình từ trước tới nay với mức giảm trung bình là 21%. Cụ thể cước gọi nội mạng và liên mạng của VinaCard giảm tới 21% (từ 1.750 xuống 1.380 đồng/phút nội mạng và từ 1.990 đồng xuống 1.580 đồng/phút liên mạng). Gói cước Vina365 cũng được giảm tới 16%, cước thuê bao của gói tiết kiệm Talk24 giảm 20%.

Giá cước thuê bao tháng của dịch vụ trả sau cũng giảm từ 55.000 đồng xuống còn 49.000 đồng (cước cuộc gọi trả sau giảm đến 10%). Ngoài ra dịp này Vinaphone cũng cho ra mắt gói cước nội tỉnh MyZone tại 36 tỉnh, thành phố tiết kiệm đến hơn 40% cước cuộc gọi và chính sách giảm cước giờ thấp điểm mới áp dụng từ 0h00 ngày 10/6/2009.

Mobifone, trong “đợt sóng” này chỉ công bố giảm cước với mức giảm tương đương “người anh em” của mình trong VNPT là Vinaphone.

Nhờ việc “châm ngòi” của Viettel, một cuộc đua giảm giá cước mới trên thị trường viễn thông Việt Nam đã xuất hiện. Điều lợi được nhìn thấy tức thì đó là khoảng 60 triệu thuê bao của 3 mạng GSM đã tiết kiệm được từ 10 - 30% chi phí từ đợt giảm cước này. Nhiều chuyên gia viễn thông dự báo, thị trường di động có thể bão hòa vào năm 2010, do vậy các nhà khai thác di động chỉ còn thời gian rất ít để “đánh bắt” nốt những khách hàng tiềm năng còn lại.

Trọn tuần tăng điểm, cả 2 sàn bùng nổ

Khi lãi suất tiết kiệm chưa đến 10%/năm, bất động sản đòi hỏi phải có lượng vốn lớn, giá vàng tăng mạnh nhưng “lặng sóng”… thì chứng khoán đang trở thành kênh thu hút vốn và sinh lời hấp dẫn nhất hiện nay.

Đã có những lúc tâm lý nhà đầu tư có phần lưỡng lự trước những bất lợi từ thị trường thế giới, dấu hiệu chốt lời, “tin xấu” về quản lý vĩ mô… nhưng thị trường chứng khoán mở đầu tháng 6 đã vô cùng thuận lợi với trọn 5 phiên tăng điểm mạnh.

“Bỏ ngoài tai” tất cả các dự đoán điều chỉnh giảm, kết thúc tuần giao dịch sôi động ngày 5/6, Vn-Index đã áp sát mốc 480 điểm đem lại sự hưng phấn tột độ cho giới đầu tư. Điều này đã thôi thúc nhiều nhà đầu tư quyết tâm mua vào bằng mọi giá vì nếu không sẽ “trễ tàu”.

Không có nhiều điều để bình luận khi thị trường đang “leo dốc” thẳng đứng, bên mua chiếm thế thượng phong và luôn đáp ứng mọi lệnh bán ra. Kết thúc các phiên, lượng dư mua vài triệu đơn vị luôn được treo sẵn dù bên bán trống bảng đã cho thấy niềm tin đang trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thống kê cho thấy đây là tuần thứ 5 liên tiếp chứng khoán duy trì được tính thanh khoản rất cao, chứng tỏ dòng tiền đã thực sự quay trở lại với thị trường và minh chứng rõ ràng nhất cho tính hấp dẫn của kênh đầu tư này là việc cho vay để giao dịch từ các Công ty chứng khoán tăng đáng kể trong khi lượng tiền từ huy động vốn của ngân hàng không cao dù lãi suất cũng tăng lên.

Vẫn có những cảnh báo cho rằng thị trường đang tăng quá nóng nhưng hiện những nhà đầu tư lạc quan nhất cũng khó có thể hình dung tại sao thời điểm này Vn-Index lại đang tiến sát mốc 500 điểm một cách dễ dàng đến vậy...

Hồ hởi trong cả 2 “đợt sóng” tăng và giảm

Có thể thấy rằng, trong cả 2 “đợt sóng” tăng điểm Index và giảm cước ở 2 thị trường khác nhau là chứng khoán và viễn thông thì đều có chung một cảm nhận sự hồ hởi, phấn khởi của đối tượng là số đông.

Trong đó, “đợt sóng” tăng giá của thị trường chứng khoán mang lại cho nhà đầu tư gia tăng giá trị cổ phiếu của mình, còn “đợt sóng” giảm giá cước viễn thông lại giúp cho người tiêu dùng tiết kiệm được chi phí tiêu dùng hàng ngày.

Thị trường chứng khoán đang trên đà tăng trưởng, phản ánh niềm tin phục hồi của nền kinh tế. Còn thị trường viễn thông đang tạo sự cơ hội để mọi đối tượng người dân có thể tham gia sử dụng loại hình dịch vụ thông tin di động - kể cả các đối tượng có thu nhập thấp hiện nay.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel Telecom: Đợt giảm cước này của Viettel không chỉ mang lại lợi ích cho riêng khách hàng của Viettel, mà còn mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dùng di động nói chung vì những hoạt động tương tự từ những mạng di động khác.

Theo nhìn nhận của một số chuyên gia kinh tế thì 2 “làn gió mát” này đều có tính tích cực, góp phần tạo động lực phát triển cho nền kinh tế đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Huy Sáu - Minh Tuấn