1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hai dự án bô-xít sẽ được cổ phần hóa!

(Dân trí) - Khẳng định về tính khả thi của hai dự án bô-xít và cho rằng hoàn toàn không tăng ưu đãi để giảm lỗ cho Tân Rai và Nhân Cơ, Bộ Công thương lạc quan, sau 5-7 năm, các dự án này sẽ hết lỗ và có thể cổ phần hóa.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

* 50% mẫu phân bón được kiểm tra có chất lượng kém

* MobiFone sẽ được cổ phần hóa ngay trong năm 2014

* Bộ Công thương khẳng định "không bênh EVN"

* Bộ mong 300.000 tỷ đồng “xã hội hóa” để làm hạ tầng

Liên quan đến các đề xuất của Bộ Công thương về việc ưu đãi đối với hai dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ thời gian gần đây, tại phiên họp báo thường kỳ diễn ra chiều 4/7, Phó vụ trưởng Bùi Quang Chuyện (Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng – BCT) khẳng định, với trách nhiệm của mình, Bộ Công thương xem xét rà soát để đưa ra chính sách hợp lý chứ không phải tăng ưu đãi để giảm lỗ cho các dự án.

Lý giải về vấn đề này, ông Chuyện trình bày, khai thác và chế biên bô-xít là lĩnh vực đầu tư hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam. Chính phủ chỉ đạo thí điểm hai dự án Tân Rai và Nhân cơ và trên cơ sở đó, giao cho Bộ Công thương rà soát lại các cơ chế chính sách pháp luật để có phương án bổ sung, điều chỉnh hợp lý.

Bộ Công thương họp báo thường kỳ vào chiều 7/4/2014 (ảnh:BD).
Bộ Công thương họp báo thường kỳ vào chiều 7/4/2014 (ảnh:BD).

Bộ Công thương thời gian qua cũng đã tiến hành đề xuất về chính sách thuế, phí đối với hai dự án này. Theo ông Chuyện, để sản xuất ra 1 tấn alumin phải sử dụng 5,5 đến 6 tấn bô-xít, việc sản xuất bô-xít sang alumin là một quá trình chế biến. Theo quy định của Luật thuế Giá trị gia tăng đã được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2008 thì sản phẩm xuất khẩu nếu là tài nguyên khoáng sản đã được chế biến sang sản phẩm khác thì được áp dụng thuế suất VAT là 0%. Như vậy, đối với alumin là khoáng sản đã được chế biến từ bô-xít, nên Bộ Công thương đề xuất thuế mức thuế VAT áp cho xuất khẩu alumin là 0%.

Về phí môi trường với khai thác quặng bô-xít đang được áp dụng theo mức hiện hành là 30.000-50.000 đồng/m3, tương đương với chi phí khai thác 1 tấn bô-xít nguyên khai và gấp 20-30 lần so với khai thác đất đá.

Như vậy, với mức phí này, Bộ Công thương cho rằng chưa phù hợp. Thông thường với những sản phẩm khác, phí môi trường thường chiếm từ 5- 10% chi phí khai thác, do đó, Bộ Công thương đề nghị nên áp dụng phí môi trường cho sản phẩm này khoảng 10% chi phí khai thác.

Về đề xuất hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) trong công tác khai thác mỏ, ông Chuyện cho hay, diện tích khai thác của dự án Nhân Cơ khoảng 50-60 ha, và ở những nơi đang còn mở là khoảng 70-100 ha. Như vậy, đối với dự án Nhân Cơ, diện tích khai thác khoảng 150-160 ha. 

Theo khẳng định của đại diện Bộ Công thương, hai dự án này có thời gian khai thác và thời gian hoàn thổ rất nhanh, từ 3-5 năm. Mặc dù tính toán đời dự án là 50 năm nhưng thời gian để sử dụng đất đó chỉ sau 3-5 năm thì người dân có thể tái khai thác được. Chính vì vậy, Bộ Công thương đề xuất không chi trả tiền đền bù GPMB theo quy định hiện hành, mà chọn giải pháp để nhà đầu tư thỏa thuận với với người dân chỉ đền bù tài sản hoa màu có trên đất và đồng thời thuê lại đất. Với phương án này, người dân sau 5 năm có thể sử dụng ngay lại được đất này và đồng thời cũng giảm được thuế đất đang áp dụng hiện hành.

Ngoài việc nhấn mạnh về tính công bằng của mình trong các đề xuất trên, đại diện Bộ Công thương cũng cho biết đang phối hợp với các Bộ khác nghiên cứu mô hình tài chính và các cơ chế chính sách hợp lý theo lộ trình để sớm hoàn vốn và cổ phần hóa hai dự án bô-xít nêu trên.

Trao đổi cụ thể hơn với PV Dân trí về vấn đề này, Thứ trưởng - Người phát ngôn của Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải  khẳng định hai dự án bô-xít này có tính khả thi. Theo đó, Dự án Tân Rai xác định 5 năm lỗ, 12 năm hoàn vốn, còn Nhân Cơ có lỗ kế hoạch là 7 năm, hoàn lỗ là 13 năm trong cả một quá trình là 30 năm.

Theo ông Hải, hiện nay giá bán sản phẩm alumin của Việt Nam vẫn đang thấp hơn so với thị trường, và chắc chắn trong tương lai, mức giá bán sẽ được đưa lên cao hơn, thị trường tiêu thụ cũng được đẩy mạnh. Tuổi thọ dự án tuy được tính toán là 30 năm nhưng trữ lượng quặng có thể khai thác lên tới 50 năm. Như vậy qua mấy yếu tố đó khẳng định tính khả thi của dự án. 

"Hơn nữa, quặng bô-xít cũng không phải độc hại như nhiều người vẫn nghĩ". Theo tính toán của ông Hải, "Doanh nghiệp nhìn vào nếu trước mắt lỗ mà cho người ta mua thì vẫn mua (mua cổ phần của dự án bô-xít - PV). Sau 5-7 năm mà hết lỗ rồi thì không khó để cổ phần hóa. Quan trọng nhất vẫn là tính khả thi của dự án".

Tuy cho rằng, thời điểm cổ phần hóa vẫn phụ thuộc vào điều kiện thực tế và hiện nay mới chỉ đang trong giai đoạn bắt đầu, tuy nhiên ông Hải vẫn lạc quan, sau 5-7 năm đã hết lỗ và sẽ có thể thực hiện cổ phần hóa được hai dự án này.

Bích Diệp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm