HAGL Agrico lỗ nặng, ban lãnh đạo trần tình với cổ đông
(Dân trí) - Doanh thu giảm mạnh, chi phí lại tăng cao khiến HAGL Agrico lỗ ròng 130 tỷ đồng trong quý II.
Lại lỗ lớn
Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã chứng khoán: HNG) vừa trải qua một quý kinh doanh ảm đạm.
Theo báo cáo tài chính quý II vừa được công bố ngày 10/8, doanh thu của HAGL Agrico trong 3 tháng qua đạt 252 tỷ đồng, chỉ bằng phân nửa so với cùng kỳ 2020. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh chủ lực là trái cây chỉ thu về 200 tỷ đồng, sụt giảm hơn 50%.
Doanh thu quá thấp, chi phí sản xuất lại tăng lên khiến biên lợi nhuận gộp bị bào mòn. Lãi gộp trong kỳ của HAGL Agrico chỉ vỏn vẹn 18 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí lãi vay của công ty lên tới 121 tỷ đồng. Khoản chi cho các hoạt động bán hàng, quản lý doanh nghiệp hơn 100 tỷ đồng.
Do đó, dù có nguồn thu đột biến từ hoạt động tài chính hơn 60 tỷ đồng, HAGL Agrico vẫn lỗ ròng 130 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty có doanh thu 512 tỷ đồng, sụt giảm tới 56% so với cùng kỳ 2020. So với kế hoạch doanh số năm nay, doanh nghiệp mới hoàn thành 35% chỉ tiêu.
Sau hai quý, HAGL Agrico lỗ tổng cộng 123 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, công ty nông nghiệp này có lãi sau thuế 10 tỷ đồng. Năm nay, HAGL Agrico dự kiến lỗ sau thuế 84 tỷ đồng.
Đến ngày 30/6, lỗ lũy kế của HAGL Agrico đã lên tới 2.429 tỷ đồng. Nợ phải trả vẫn ở mức rất cao, 14.656 tỷ đồng, gấp gần 2 lần vốn chủ sở hữu 8.173 tỷ đồng.
Không thể cải thiện một sớm một chiều
Trong văn bản trần tình gửi cổ đông, ban lãnh đạo HAGL Agrico nêu ra một loạt lý do khiến công ty thua lỗ nặng nề những tháng đầu năm.
Đầu tiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá mua sắm vật tư nông nghiệp, bao bì đóng gói và chi phí vận chuyển bằng đường biển tăng cao.
Chi phí nhân công cũng tăng do đại dịch. Nguồn lao động là người địa phương bị hạn chế tại các nông trường do quy định giãn cách tại các địa phương có dự án. Chi phí phát sinh cho lao động người Việt Nam tăng mạnh do các quy định về cách ly, kiểm tra phòng ngừa dịch bệnh tại cửa khẩu.
Công ty cũng phải trích lập dự phòng một số khoản phải thu, thanh lý hàng tồn kho trái cây chế biến đã sản xuất từ năm 2019. Trong khi đó, sản lượng hiện tại chưa tăng như kỳ vọng do các vườn cây chuối, dứa, xoài đang trong giai đoạn cải tạo, phải khắc phục tình trạng thiếu nước, thiếu điện, thiếu phân bón.
"Năng suất, chất lượng không thể cải thiện trong thời gian ngắn", Phó Tổng giám đốc HAGL Agrico Nguyễn Hoàng Phi nêu trong văn bản.
Ban lãnh đạo công ty cũng chia sẻ bức tranh kinh doanh sẽ tươi sáng hơn trong quý III. Dự kiến doanh thu quý tới khoảng 353 tỷ đồng, sản lượng trái cây thu hoạch tăng 40% so với quý II vừa qua.
Công ty cũng dự kiến chi 85 tỷ đồng đầu tư mới hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước, hồ tưới để chuẩn bị phục vụ mùa khô 2022, nâng cấp hệ thống điện, xây dựng đê ngăn lũ, hệ thống mương tiêu thoát chống úng mùa mưa, xây mới nhà xưởng đóng gói, nhà ở cho công nhân, cán bộ, nhân viên xí nghiệp.
Về khoản nợ phải trả vẫn còn lớn, ban lãnh đạo HAGL Agrico cho biết sẽ thực hiện nghiệp vụ cấn trừ số tiền chuyển nhượng 4 công ty đã bán cho Công ty Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) vào khoản nợ chính công ty này như phương án đã được thông báo.
Sau khi cấn trừ công nợ, nợ phải trả của HAGL Agrico dự kiến sẽ giảm mạnh xuống 7.359 tỷ đồng, thấp hơn vốn chủ sở hữu.
Phương án cấn trừ công nợ việc chuyển nhượng 4 công ty con cho Thaco được thông qua sau khi phía tỷ phú Trần Bá Dương quyết định dừng việc đầu tư thêm vốn vào HAGL Agrico vì hai nhóm vấn đề chính.
Đầu tiên, các công ty HAGL Agrico đã bán cho Thaco lại dùng làm tài sản thế chấp cho Hoàng Anh Gia Lai vay vốn tại BIDV nên Thaco không thể nhận giấy tờ đất. Thứ hai, Hoàng Anh Gia Lai liên tục thoái vốn khỏi HAGL Agrico khiến thị giá cổ phiếu HNG giảm mạnh, rớt xuống dưới mệnh giá.
Sau khi phía Hoàng Anh Gia Lai và BIDV cam kết sẽ tách bạch tài sản đảm bảo khoản vay liên quan HAGL Agrico, đồng thời Hoàng Anh Gia Lai dừng bán cổ phiếu HNG, phía Thaco tiếp tục đầu tư vào HAGL Agrico. Tuy nhiên, HAGL Agrico lỡ cơ hội tăng vốn để xóa sạch nợ nần.
Tại thời điểm ngày 30/7, trong cơ cấu cổ đông HAGL Agrico, Thaco đang sở hữu 38,4% cổ phần còn Hoàng Anh Gia Lai nắm giữ 16,3% vốn điều lệ.