1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hạ tầng giao thông, y tế khó khăn nhưng còn 130.000 tỷ đồng chưa dùng đến

Trần Kháng

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội nêu trong khi hạ tầng còn khó khăn từ giao thông đến y tế, đầu tư công lại không dùng hết tiền. Năm 2022 còn dư gần 20% nguồn vốn đầu tư công (gần 130.000 tỷ đồng chưa dùng đến).

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ liên quan đến 8 nội dung quan trọng. Tại tổ của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, y tế, cải cách tiền lương...

Đầu tư công không dùng hết tiền, lãng phí nguồn lực

Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, từ đầu năm đến nay, nền kinh tế bắt đầu suy giảm nên cần phải có những giải pháp cấp bách, căn cơ và lâu dài. Nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, kéo theo cắt giảm lao động đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến chính sách an sinh xã hội.

Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân băn khoăn về việc nguồn lực, tiềm năng tăng trưởng bên trong của nước ta chưa phát huy tốt. Hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông khó khăn, y tế cũng khó khăn liên quan đến đầu tư công. Trong khi đó, đầu tư công không sử dụng hết tiền, năm 2022 còn dư gần 20% nguồn vốn đầu tư công (gần 130.000 tỷ đồng chưa dùng đến).

"Chậm giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn không đạt kế hoạch đề ra cho thấy sự lãng phí kéo dài. Bởi, nếu đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ, sẽ là động lực cho tăng trưởng, mở ra cơ hội phát triển cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Hạ tầng giao thông, y tế khó khăn nhưng còn 130.000 tỷ đồng chưa dùng đến - 1

Các đại biểu Quốc hội trao đổi tại tổ TPHCM sáng 25/5 (Ảnh: Trần Kháng).

Ngoài ra, theo đại biểu này, chương trình cho vay ưu đãi cũng chưa phát huy hết, trong khi nhiều doanh nghiệp đang "khát vốn". Quốc hội đã thông qua 120.000 tỷ đồng hỗ trợ làm nhà ở xã hội, tuy nhiên đến tháng 4 vẫn chưa giải ngân. Trong khi, nhà ở xã hội rất cần cho người lao động, công nhân.

"Nếu số vốn này được sử dụng hết vào đầu tư công sẽ kích thích vận tải, nông nghiệp, thương mại, sản xuất... phát triển. Chúng ta còn lãng phí thời cơ", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, trong cách xây dựng chỉ tiêu hàng năm phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh xây dựng các chỉ tiêu cứng thì cần căn cứ vào tình hình thực tế để bổ sung thêm chỉ tiêu và Quốc hội bổ sung việc giám sát. Trong đó, giám sát giải ngân vốn đầu tư công để xác định rõ trách nhiệm; đồng thời cần có chế tài xử lý trách nhiệm nếu chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công không đạt mục tiêu.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần phải giám sát với chỉ tiêu giải ngân 120.000 tỷ đồng làm nhà ở xã hội.

Đồng tình với vấn đề lãng phí nguồn lực, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn cho rằng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần phải làm nhanh, cấp bách, nhất là các công trình, dự án đầu tư trọng điểm. Dù vậy, hiện nay, việc hấp thụ nguồn vốn còn chậm, nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa bố trí vốn dẫn đến lãng phí nguồn lực cho sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ vướng ở khâu nào và quy rõ trách nhiệm, để từ đó xác định rõ nguyên nhân do cơ chế hay do con người. Ngoài ra cũng cần minh bạch, rõ ràng và có giải pháp trong việc chi tiêu cho đầu tư công.

Về giảm thuế VAT 2%, đại biểu Trần Anh Tuấn đồng tình giảm và cho rằng cần xem xét, cân nhắc giảm cho các đối tượng để kích cầu tiêu dùng, kích cầu sản xuất nội địa... chứ không giới hạn nhóm đối tượng được giảm thuế.

Sự báo động mà không rõ ràng sẽ gây ra ngộ nhận

Cũng thảo luận tại tổ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã có phân tích báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế. Trong đó, đại biểu này bày tỏ sự lo lắng về thuế toàn cầu.

Theo ông, để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trở lại, đạt được mục tiêu đã đề ra thì chúng ta phải tiếp tục thu hút đầu tư. Nhưng đến nay, những giải pháp cho thuế tối thiểu toàn cầu, cụ thể là tăng thuế đối với các nhà đầu tư nước ngoài như thế nào, chưa được thể hiện cụ thể.

"Khi tăng thuế, nó tác động tới nhà đầu tư. Bởi vì nhiều nhà đầu tư tới Việt Nam do lao động giá rẻ và do thuế suất thấp. Nhưng chúng tôi chưa thấy vấn đề này được đặt ra một cách toàn diện", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu.

Hạ tầng giao thông, y tế khó khăn nhưng còn 130.000 tỷ đồng chưa dùng đến - 2

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Trần Kháng).

Cũng theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, chúng ta cần giải quyết được vấn đề thuế toàn cầu này sớm, để nhà đầu tư tiên liệu được khi tới Việt Nam, họ được đối xử chính sách như thế nào. Nếu chúng ta có sớm, thì nhà đầu tư sẽ biết được thuế tối thiểu toàn cầu tác động thế nào đối với nhà đầu tư.

Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc kìm chế lạm phát ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhưng nếu không kìm chế lạm phát, nó sẽ ảnh hưởng tới hàng chục triệu người lao động. Đồng tiền lĩnh một tháng 5-7 triệu đồng, nhưng nếu lạm phát tăng lên, thì sức mua bị giảm.

Về nội dung thiếu thanh khoản, chậm giải ngân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, ngân hàng thì gồm Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại. Ngân hàng thương mại phải lấy tiền từ dân gửi vào để cho vay. Nếu cho vay, nợ xấu nhiều thì ngân hàng không có khả năng tiền lãi tiết kiệm của dân. Và tình hình diễn biến xấu, người dân rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng.  

Đánh giá về việc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa bán mình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nhận định này gây ra ngộ nhận. Bởi vì, khi làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp phải tái cơ cấu, phải gọi vốn, huy động vốn, bán bớt tài sản, thậm chí chuyển ngành.

"Đã có một ngân hàng Việt Nam bán 15% cổ phần cho ngân hàng nước ngoài, thu 1,5 tỷ USD. Chúng ta đã từng báo động khi một doanh nghiệp làm dàn trải tới 50 dự án bất động sản", đại biểu dẫn chứng và cho rằng, sự báo động mà không rõ ràng sẽ gây ra ngộ nhận và giải pháp cũng không đúng.