Hà Nội xin "đặc quyền" cho cấp huyện trong đấu giá đất xen kẹt

(Dân trí) - Chính quyền Hà Nội vừa đề xuất các bộ liên quan về việc cho chính quyền cấp huyện được đứng ra đấu giá và phê duyệt giá khởi điểm quyền sử dụng đất đối với các dự án nhỏ lẻ, đất xen kẹt quy mô dưới 5.000 m2. Theo lãnh đạo Hà Nội, mục tiêu đấu giá để tránh tình trạng lấn chiếm đất công ích đang gia tăng.

Cụ thể, theo văn bản đề xuất Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ông Nguyễn Doãn Toản cho biết: Thời gian qua, việc triển khai Luật Đất đai năm 2013 trong đấu giá quyền sử dụng đất đã có thuận lợi. Việc cải cách thủ tục hành chính và phân cấp cho UBND cấp huyện (thí điểm) đã đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất.

Sau khi quyết định giao quyền đấu giá đất cho cấp huyện, mới đây lãnh đạo Hà Nội kiến nghị trao quyền phê duyệt giá khởi điểm để xác định đấu giá đất (ảnh minh họa)
Sau khi quyết định giao quyền đấu giá đất cho cấp huyện, mới đây lãnh đạo Hà Nội kiến nghị trao quyền phê duyệt giá khởi điểm để xác định đấu giá đất (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, còn một số nội dung cần tiếp tục được phân cấp để đảm bảo sự đồng bộ, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách, khai thác hiệu quả tài nguyên đất cho đầu tư phát triển.

Theo lãnh đạo Hà Nội, quy định tại Điều 59, Luật Đất đai 2013 quy định rõ việc cấp huyện được quyền đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cấp huyện không được phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất (Quyền phê duyệt giá khởi điểm vẫn thuộc UBND TP. Hà Nội).

Tuy nhiên trong các Văn bản khác như: Quyết định số 44 năm 2014 của Chính phủ; Thông tư 02 của Bộ Tài chính và Nghị định số 135 của Chính phủ đều quy định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh được ủy quyền hoặc phân cấp cho Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch UBND huyện được quyết định giá khởi điểm. Như vậy, trong hệ thống Luật và các chính sách liên quan, đặc thù đang có sự hiểu khác nhau, vì vậy, cần thống nhất chính sách để thực hiện hiệu quả.

Theo lý giải của Hà Nội, hiện nay các điểm đấu giá đất nhỏ lẻ, xen kẹt trên địa bàn các huyện, nhiều nơi chỉ 1 triệu đồng/m2, số lượng thửa đấu giá có khi chỉ có một hoặc một vài thửa xen kẹt. Trong khi đó, quy định của Chính phủ về giá đất xen kẹt dưới 5.000 m2 phải có giá khởi điểm quyền sử dụng đất dưới 30 tỷ đồng. Vấn đề này đang phát sinh bất cập, khiến tình trạng lấn chiếm đất ở nhiều diện tích đất nhỏ lẻ, xen kẹt dưới 5.000 m2.

Trên thực tế, việc mạnh dạn giao đất và định giá đất để đấu giá ở các dự án xen kẹt sẽ phát sinh hai vấn đề, đó là nếu thực hiện tốt, sẽ gắn được cơ chế vừa gắn trách nhiệm của cấp huyện trong giải quyết vấn đề đất đai, tránh những diện tích đất xen kẹt không nằm trong quy hoạch bị lấn chiếm, đấu giá thấp.

Tuy nhiên, nếu cơ giao quyền đấu giá, xác định và phê duyệt giá đất đấu giá không thực hiện tốt, quản lý hiệu quả tốt bởi chính quyền ở địa phương sẽ rất dễ nảy sinh cơ chế xin cho, tạo đặc quyền, đặc lợi cho lãnh đạo địa phương cấp huyện trong vấn đề đất đai. Điều này dễ làm phát sinh các vấn đề tiêu cực liên quan đến giá trị đất đấu giá trong thời gian tới.

Nguyễn Tuyền