1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hà Nội vẫn "vô địch" cả nước về... nhập siêu

(Dân trí) - Trong khi Bắc Ninh xuất siêu 2,3 tỷ USD, thì Hà Nội trong 5 tháng đầu năm 2016 vẫn "vô địch" cả nước về tỷ lệ nhập siêu hơn 5,2 tỷ USD. Đây là con số được đưa ra trong báo cáo tình hình xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2016 vừa được Tổng cục Hải Quan công bố.

Theo Tổng cục, trong các địa phương có số thành tích xuất nhập khẩu 5 tháng qua, TP.HCM có tổng giá trị thương mại cao nhất đạt gần 26 tỷ USD, tiếp theo là Bắc Ninh 16,5 tỷ USD, Hà Nội 13,6 tỷ USD, Bình Dương 12 tỷ USD, Đồng Nai hơn 9 tỷ USD và Hải Phòng hơn 4 tỷ USD...

Hà Nội dù nằm trong Top 3 địa phương có giá trị thương mại lớn song kim ngạch nhập khẩu của địa phương này đạt hơn 9,4 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,2 tỷ USD, khiến địa phương này nhập siêu lớn nhất cả nước, khoảng 5,2 tỷ USD.

Hà Nội vẫn không cải thiện được bài toán cân đối thương mại, khi nhập siêu luôn lớn nhất cả nước trong mấy năm qua
Hà Nội vẫn không cải thiện được bài toán cân đối thương mại, khi nhập siêu luôn lớn nhất cả nước trong mấy năm qua

Sau Hà Nội, đầu tàu kinh tế cả nước là TP.HCM cũng nhập siêu nhưng giá trị không lớn bằng, chỉ đạt hơn 2,1 tỷ USD, cụ thể, nhập khẩu là 14 tỷ USD và xuất khẩu đạt 11,9 tỷ USD.

Đáng chú ý, Bắc Ninh, Bình Dương là hai địa phương hiếm hoi xuất siêu giá trị trên 1 tỷ USD, trong đó Bắc Ninh xuất siêu 2,3 tỷ USD, Bình Dương 2 tỷ USD. Đây là hai địa phương luôn dẫn đầu về thành tích xuất siêu trong thời gian gần đây, đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu cả nước.

Điều đáng lo, Hà Nội là trung tâm kinh tế cả nước song kim ngạch thương mại của địa phương này từ năm 2012 đến nay luôn thâm hụt, bằng chứng địa phương này giữ "vị trí nhà vô địch" này suốt 4 năm qua mà không địa phương nào giành được.

Mức độ nhập siêu của Hà Nội trong 6 tháng đầu năm gây lo ngại làm giảm mức xuất siêu của cả nước bởi trong 5 tháng qua, cả nước mới chỉ xuất siêu 1,6 tỷ USD. Hà Nội là đầu tàu kinh tế lớn của cả nước, nếu nhập siêu gia tăng đồng nghĩa với thâm hụt thương mại lớn, kéo dài sẽ kìm hãm sự tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đáng nói, trong năm 2015, Hà Nội cũng là địa phương có nhập siêu lớn nhất cả nước, 15,3 tỷ USD (xuất khẩu đạt 10,4 tỷ USD, nhập khẩu lên đến 25,7 tỷ USD), trong khi đó đầu tàu kinh tế TP.HCM cả năm cũng chỉ nhập siêu 3,6 tỷ USD (xuất khẩu 30,2 tỷ USD, nhập khẩu 33,7 tỷ USD).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, tính đến tháng 6/2016 Hà Nội là 1 trong 5 tỉnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước với trên 26 tỷ USD, đứng thứ 3 sau TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sáu tháng đầu năm, FDI vào Hà Nội cũng cao gấp 4 lần TP.HCM đạt 2 tỷ USD, vượt qua nhiều tỉnh khác như Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng hay Hải Phòng... Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia tại Bộ KH&ĐT, 2/3 vốn FDI vào Hà Nội trong vòng 5 năm qua không tập trung vào lĩnh vực sản xuất trực tiếp sản phẩm công nghiệp, chủ yếu vào bất động sản nhà ở, bất động sản bán lẻ. Do đó, dù hấp thụ luồng vốn lớn song hiệu quả suất đầu tư không cao và tạo giá trị gia tăng xuất khẩu không lớn như FDI vào các địa phương khác.

Nguyễn Tuyền