Hà Nội nắng như đổ lửa, shipper than "lãi vài nghìn đồng mỗi đơn"

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Thời tiết nắng nóng gay gắt ở Hà Nội những ngày này khiến dịch vụ giao đồ ăn, giao hàng (shipper) càng đông khách. Dù thế, shipper lắc đầu quầy quậy khi được hỏi "chạy nhiều chắc kiếm tiền tốt lắm".

Đâu ra vài triệu mỗi ngày, 12 tiếng bỏ túi vài trăm nghìn đồng là may

Hơn 15h trên phố Quan Nhân (Hà Nội), nhân lúc chưa có thêm đơn hàng, anh Quang tranh thủ ăn trưa và ngồi nghỉ dưới bóng cây trên vỉa hè.

"Chủ yếu chạy nhiều khi dân văn phòng ăn trưa. Khi vãn đơn, tôi vừa ăn, vừa nghỉ ở hàng quán rồi lại tiếp tục. Cứ "nổ" đơn là lại phải đi ngay", anh nói.

Làm shipper gần 4 năm nay, anh Quang cho biết đã quen với công việc vất vả. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng gay gắt những ngày qua cũng khiến anh thấy mệt hơn. Anh Quang mang theo bình nước mát từ nhà và tranh thủ nghỉ ở quán chỗ râm mát để nghỉ khi đuối sức.

"Mọi người cứ đồn là nhân viên giao hàng mùa này là thu nhập tốt, làm được vài triệu mỗi ngày. Nhưng thực ra không phải vậy đâu. Mà không có công việc mới phải đi làm shipper thôi chứ ai muốn. Trừ tất cả các chi phí đi, mỗi đơn hàng đồ ăn chỉ lãi khoảng vài nghìn đồng. Mỗi ngày chạy 12 tiếng ngoài đường cùng lắm cũng chỉ bỏ túi được khoảng vài trăm nghìn thôi", anh Quang tâm sự.

Hà Nội nắng như đổ lửa, shipper than lãi vài nghìn đồng mỗi đơn - 1

Hình ảnh một tài xế xe ôm công nghệ chợp mắt trên chính chiếc xe của mình (Ảnh: Thành Đông).

Chiều tối, khi thời tiết bớt gay gắt, anh chạy tới 20h. Cũng có hôm nhiều đơn, anh cố kham thêm một tiếng nữa mới nghỉ.

"Những hôm nắng nóng thế này, chúng tôi được hãng hỗ trợ một chút trên mỗi đơn hàng. Nếu nhận chạy đơn xa thì thu nhập sẽ khá hơn một chút, còn những đơn gần thì cũng lời được rất ít", anh chia sẻ.

Khổ vì thời tiết

Những ngày này, miền Bắc đang bước vào cao điểm của đợt nắng nóng, Hà Nội với nhiệt độ cao nhất được dự báo vượt ngưỡng 39 độ C. Khung giờ nóng nhất là 10-18h. Nhiệt độ ngoài trời thực tế, theo cảm nhận của không ít người, có thể lên tới hơn 40 độ C. 

Công việc đòi hỏi di chuyển ngoài đường liên tục khiến các tài xế công nghệ gặp khó khăn khi nhiệt độ tăng cao. Theo các nhân viên giao hàng, mặc dù số lượng đơn hàng tăng cao nhưng cũng ko dám nhận nhiều vì thời tiết giữa trưa nắng nóng "cháy da" khiến việc di chuyển đến các địa điểm rất vất vả. 

Với chị Mai, nhân viên giao hàng của một sàn thương mại điện tử, công việc của chị bắt đầu công việc từ 7h30 sáng. Chiếc kính râm, áo chống nắng, găng tay cùng bình nước lạnh là vật dụng không thể thiếu của chị trong những ngày nắng nóng cao điểm. 

Chị chia sẻ rằng những ngày nắng nóng chị sẽ cố gắng chạy sớm hơn. Hàng ngày, chị chạy chủ yếu vào khung 8-11h và chiều tối khi tắt nắng sẽ chạy muộn hơn đến 21h.

"Sau 12h, tôi sẽ về nhà nghỉ ngơi tới 16h để tránh lúc oi bức nhất. Tối tôi tranh thủ chạy tới 21h. Có những hôm đi dưới trời nắng nóng, hoa hết cả mắt, lại phải dừng xe dưới tán cây, ngồi nghỉ một lúc rồi mới dám đi tiếp", chị tâm sự.

Nhiều hôm nắng nóng oi bức khiến chị rút ngắn thời gian làm việc từ 10 tiếng xuống còn 6-7 tiếng/ngày để đảm bảo sức khỏe. Chị chia sẻ rằng mấy ngày tới khi thời tiết dễ chịu hơn, chị sẽ làm bù để thu nhập không bị ảnh hưởng.

Còn với anh Toàn, ship đồ ăn chỉ là công việc làm thêm nên không có giờ làm cố định. Khi nào rảnh, anh sẽ mở ứng dụng và chạy khoảng 4 tiếng/ngày.

Giống nhiều shipper, anh Toàn chủ yếu chạy vào giờ cao điểm ăn trưa tới khoảng 14h. Hãng có phụ cấp nắng nóng và thưởng vào giờ cao điểm, nên dù mệt mỏi, anh cũng cố chạy để tăng thu nhập.

"Tôi thường chạy ra khu vực có nhiều quán ăn để có tỷ lệ cao hơn. Còn khi nắng quá, tôi sẽ nghỉ ở quán trà đá hoặc về nhà nghỉ ngơi. Mấy ngày này nắng nóng đi ship cũng mệt vì thời tiết oi bức", anh nói khi chờ lấy đơn.

Trong những năm gần đây, cùng sự phát triển của các sàn thương mại điện tử, giao hàng đã trở thành công việc khá phổ biến tại Việt Nam. Theo báo cáo năm ngoái của sàn giao dịch Việc Làm Tốt, tài xế và shipper là nhóm lao động phổ thông có mức lương cao nhất và tăng mạnh nhất (mức tăng 11,2%) trong 6 tháng đầu năm 2022.

Theo báo cáo do công ty nghiên cứu Allied Market Research (Mỹ) công bố vào giữa năm ngoái, thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam được định giá 710 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 4,88 tỷ USD vào năm 2030, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 24,1% trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2030.

Tuy nhiên, việc mua sắm trên sàn thương mại điện tử bùng nổ đã tác động tích cực đến ngành dịch vụ chuyển phát nhanh tại nước ta.

Khi các dịch vụ chuyển phát nhanh B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) gặp khó khăn và thậm chí là ngừng hoạt động, B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) đã nổi lên trong thời kỳ đại dịch nhờ sự phát triển nhanh chóng của ngành bán lẻ trực tuyến và thương mại điện tử.