Hà Nội: Đón Tết với nhiều kiểu tiết kiệm

Chỉ mua đồ thiết yếu, tự nấu bánh chưng, tự làm mứt tết, tự muối hành, gạo và gà về chạp mộ rồi mua ở quê lên… đây là xu hướng chung của nhiều bà nội trợ đón tết năm nay ở Hà Nội.

Cây cảnh bonsai dù đẹp, chơi được lâu nhưng vẫn vắng khách mua.
Cây cảnh bonsai dù đẹp, chơi được lâu nhưng vẫn vắng khách mua.

 

Chị Thu Anh, nhân viên tại siêu thị Big C, Hà Nội, cho biết hai ngày cuối tuần qua bắt đầu vào cao điểm sắm tết, nên lượng khách đến siêu thị tăng gấp đôi ngày bình thường, khách hàng mua chủ yếu các sản phẩm bánh kẹo, mứt, đồ khô, đồ hộp và nước giải khát, trong đó chủ yếu là hàng trong nước.

 

Tại siêu thị Fivimart (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội), một nhân viên thu ngân cho biết nếu mọi năm khách hàng thường hỏi tìm những loại bánh kẹo ngon, cao cấp để chuẩn bị dùng cho tết, thì năm nay, phần lớn khách hàng chuyển sang các mặt hàng thông dụng, thiết yếu. Các mặt hàng đồ gia dụng: chén, dĩa, sữa tắm, xà bông, chất tẩy rửa… là những mặt hàng được khách hàng mua nhiều.

 

“Tự làm, tự gói, tự mua” – ba chữ tự này được lưu truyền khá nhanh trong giới các bà nội trợ dịp tết năm nay. Bác Kim Ngân, ngụ ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, chia sẻ: “Năm nào báo đài cũng nói về tình trạng mất vệ sinh của bánh kẹo, mứt tết, nên năm nay, tôi tranh thủ làm các loại mứt dừa, mứt gừng, mứt càrốt cho các cháu. Thấy tôi làm mứt, mọi người lại rủ nhau muối hành, muối dưa. Ngày 25 tháng chạp tới, toàn khu nhà tôi còn tổ chức gói bánh chưng chung. Hiện tại, số bánh cần gói lên tới hơn 1.000 cái rồi. Tự làm, tự gói bánh chưng, mỗi người một việc, vừa tiết kiệm, lại thấy vui”.

 

Nếu như đi siêu thị chỉ để mua những sản phẩm thiết yếu, thì việc tìm mua những đặc sản tết của từng vùng quê, có giá vừa rẻ, vừa ngon cũng là một tiêu chí mua sắm của nhiều chị em dịp tết năm nay.

 

Chị Ngọc Nga, nhân viên ngân hàng VPBank tại Hà Nội cho biết: “Năm nay có nhiều chị em bạn bè công chức tranh thủ bán thêm hàng tết. Mỗi người một quê, quê nào cũng có đặc sản bán, vừa rẻ, vừa đúng nguồn gốc, nên rất đông người mua. Tôi đã mua được vải thiều ở Hải Dương (90.000 đồng/kg), mua giò lụa từ Nam Định, thịt trâu gác bếp từ Hà Giang (500.000 đồng/kg), chè “xịn” không thuốc sâu ở Thái Nguyên (200.000 đồng/kg) và cả rượu nếp lá chuối từ Tuyên Quang... Tất cả đều rẻ hơn giá ngoài thị trường và đều do chị em bạn bè thân trên mạng bán”.

 

Theo Thanh Tuyền

SGTT