"Hạ lãi suất, vốn có thể chảy ngược ra ngoài"

(Dân trí) - “Chúng tôi tin động thái hạ lãi suất OMO vừa qua của Ngân hàng Nhà nước nhằm giải quyết điều kiện tín dụng gần đây và khả năng hạ lãi suất tiếp trong tương lai khó có thể diễn ra”, nhóm phân tích của HSBC nhấn mạnh.

Dư địa cắt giảm thêm lãi suất đã bị thu hẹp (ảnh: AH).

Dư địa cắt giảm thêm lãi suất đã bị thu hẹp (ảnh: AH).

Ngày 19/7, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất thị trường mở (OMO) 50 điểm, từ mức 6% xuống còn 5,5%. Như vậy, tính từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất OMO tổng cộng 150 điểm, từ mức 7% vào cuối năm 2012.

Cùng với đó, theo tính toán của HSBC, toàn bộ lượng cung tiền mặt 7.000 tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở đã được các ngân hàng hấp thụ hết. Trong những ngày gần đây, lãi suất qua đêm đã tăng vọt do thanh khoản yếu kém; lãi suất qua đêm đạt mức cao nhất vào ngày 19/7.

Đánh giá về động thái này, trong báo cáo phân tích mới công bố sáng nay 22/7 của Ngân hàng HSBC, thì “động thái này dường như có mục đích làm giảm nhiệt thanh khoản vốn làm cho lãi suất qua đêm tăng tới mức cao nhất trong năm nay”.

Theo HSBC, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng hạ nhiệt thanh khoản thông qua việc hạ lãi suất. Trong khi khối lượng cung tiền mặt qua thị trường mở có thể góp phần giảm căng thẳng một phần thanh khoản, nhưng động thái này cũng không thể giải quyết những vấn đề gốc rễ xung quanh tăng trưởng tín dụng yếu kém của Việt Nam.

Đánh giá về việc Công ty quản lý tài sản VAMC phải lùi thời gian hoạt động, HSBC cho rằng: Dù thị trường không hẳn kỳ vọng VAMC “sẽ là liều thuốc kỳ diệu đối với vấn đề nợ xấu của Việt Nam, nhưng hoạt động của công ty này lại là biểu trưng cho cam kết của Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề kém hiệu quả của nền kinh tế”.

Cũng theo báo cáo của HSBC, dư địa cắt giảm thêm lãi suất đã bị thu hẹp. Đồng Việt Nam yếu đi gần đây cùng với nguy cơ lạm phát gia tăng và giá xăng dầu cao hơn cho thấy lạm phát toàn phần có thể tăng từ mức 6,7% trong tháng 6 lên tới 7,1% trong tháng 7 (so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên nhu cầu nội địa kém và hiệu ứng cơ bản thuận lợi sẽ có thể đưa lạm phát xuống thấp vào cuối quý III/2013.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngân hàng này, rủi ro gia tăng đối với lạm phát vẫn còn. Chính phủ có thể nâng giá dịch vụ công do thu thuế kém. Giá hàng hóa có thể tăng do kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu vào quý IV/2013. Ngoài ra, khả năng hạ lãi suất trong tương lai cũng làm gia tăng áp lực về lạm phát.

“Chúng tôi tin động thái hạ lãi suất OMO ngày 19/7 nhằm giải quyết điều kiện tín dụng gần đây và khả năng hạ lãi suất tiếp trong tương lai khó có thể diễn ra. Với môi trường lãi suất gia tăng trên toàn cầu, việc hạ lãi suất OMO có thể khiến cho dòng vốn chảy ngược ra ngoài, càng tác động tiêu cực thêm đối với thanh khoản khan hiếm và có thể đẩy lãi suất huy động kỳ hạn gia tăng. Ngân hàng Nhà nước không có nhiều khả năng hạ lãi suất nữa sau quyết định trên”, báo cáo nhấn mạnh thêm.

Nguyễn Hiền