1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hạ lãi suất, khoản vay cũ có giảm?

(Dân trí) - Kể từ ngày 26/3, trần lãi suất huy động ngắn hạn giảm xuống 7,5%/năm là cơ hội tốt để nhà băng điều chỉnh lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận với nguồn vốn sát với nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn của các cá nhân vay vốn và doanh nghiệp đến đâu vẫn luôn là câu hỏi để ngỏ. Bởi khảo sát một số ngân hàng, không chờ đến thời điểm có chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về cắt giảm các khoản lãi suất, từ đầu năm tới nay, nhiều ngân hàng thương mại đã liên tục tung ra thị trường nhiều gói tín dụng với lãi suất thấp, từ 11% đến 13%/năm.

Dù có nhiều nỗ lực từ cơ quan quản lý và từ các ngân hàng, nhưng khả năng hấp thụ vốn (qua thống kê từ các con số) của nền kinh tế vẫn giảm. Tính đến ngày 28/2/2013, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,28%, thấp hơn mức giảm 1,88% trong 2 tháng đầu năm 2012. Còn huy động vốn của toàn hệ thống đã tăng 2% so với cuối năm 2012, gấp hơn 2 lần mức tăng 2 tháng đầu năm 2012.

Tiền đang chảy vào nền kinh tế?
Tiền đang "chảy" vào nền kinh tế?

Một cán bộ tín dụng của Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết: Ngân hàng này vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 12 tháng xuống còn 7,5%/năm. Theo đó, ngân hàng áp dụng cho các khoản vay mua nhà với lãi suất từ 11% - 12%/năm trong 3 - 6 tháng đầu, từ các tháng sau trở đi, mức lãi suất vào khoảng 15% - 16% và có xu hướng giảm tiếp thời gian tới.

Tại Ngân hàng HSBC, khách hàng được hưởng 0% lãi suất trong 3 tháng đầu tiên với sản phẩm vay mua nhà, 0% lãi suất trong 1 tháng đầu tiên với sản phẩm vay mua xe và tín dụng cá nhân. Còn tại Ngân hàng Phát triển TPHCM (HDBank), lãi suất cho vay được ngân hàng này áp dụng quanh mức 11% - 12%/năm…

Trả lời thắc mắc việc lãi suất có thực sự giảm như các ngân hàng vẫn công bố, giám đốc chi nhánh một ngân hàng tại Hà Nội (xin giấu tên) khẳng định: “Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống 7,5%/năm là điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Không chỉ các khoản vay mới, ngân hàng cũng đã có chủ trương điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ mà khách hàng đang vay”.

Được biết, tại các tổ chức tài chính (không có chức năng huy động vốn), mức lãi suất cho vay sẽ tính dựa vào lãi suất tiết kiệm bình quân 12 tháng trả sau của 4 ngân hàng quốc doanh trên địa bàn Hà Nội. Còn tại các ngân hàng, lãi suất cho vay được tính theo công thức: lãi suất cho vay = lãi suất huy động + lãi suất chi phí (giá vốn) + biên độ (khoảng 3%).

“Đa phần lãi suất cho vay, kể các khoản vay cũ đang giảm. Lãi suất vay vốn ngắn hạn được ngân hàng chúng tôi điều chỉnh tần suất 1 tháng/1 lần, còn kỳ hạn vay trung và dài hạn là khoảng 3 tháng/1 lần. Nhiều hợp đồng vay vốn còn điều chỉnh tùy theo sự thỏa thuận của khách hàng với ngân hàng”, vị giám đốc kia nói.

Theo thông tư của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 26/3, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng áp dụng ở mức 7,5%/năm, giảm 0,5% so với mức 8%/năm trước đây. Với lãi suất cho vay, các lĩnh vực ưu tiên như nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 12% xuống 11%/năm.

Nhận xét về tác động của đợt cắt giảm lãi suất lần này của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngân hàng HSBC cho rằng: “Động thái giảm lãi suất lần này phản ánh những nỗ lực của NHNN để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng chúng tôi cho rằng, nó chỉ mang lại hiệu quả về mặt tâm lý hơn là thực tế. Lạm phát tháng 3 giảm đã tạo cơ hội cho NHNN bật tín hiệu cho các doanh nghiệp là họ đang làm hết khả năng để kích cầu nội địa”.

Cũng theo ngân hàng này, chi tiêu và đầu tư công giảm phản ánh ưu tiên của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô vốn đòi hỏi giảm chi tiêu vào những dự án đầu tư công lãng phí cũng như giảm hỗ trợ đối với các doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả. “Chính phủ có thể duy trì chính sách này, có nghĩa là không bơm tín dụng giá rẻ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp kém hiệu quả. Tiêu dùng tư, trong khi giảm do lãi suất cao, cũng sẽ tiếp tục giảm do các cá nhân và doanh nghiệp tìm cách trả bớt nợ. Lãi suất qua đêm tương đối thấp cũng như tăng trưởng nhập khẩu yếu phản ánh nhu cầu nội địa trì trệ”, nhóm phân tích của HSBC nhấn mạnh.

Và do đó, ngân hàng này “không kỳ vọng có thêm động thái cắt giảm lãi suất trong quý II/2013”.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm