1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chỉ giữ lại 5 - 7 Tập đoàn kinh tế nhà nước chủ đạo

(Dân trí) - Trong số 11 tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay, Chính phủ cho biết sẽ chỉ giữ lại 5 đến 7 tập đoàn có vai trò lớn với quốc kế dân sinh như dầu khí, viễn thông...

Chỉ giữ lại 5 - 7 Tập đoàn kinh tế nhà nước chủ đạo
Sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ quan trọng trong việc tái cơ cấu kinh tế (Ảnh minh họa).
Cắt giảm và phân cấp quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Trả lời báo giới về việc Bộ Xây dựng vừa có tờ trình về việc ngừng tổ chức thí điểm hai tập đoàn mà bộ này chủ quản là Tập đoàn Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) và Tập đoàn Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam (Sông Đà), Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, việc này đang được Chính phủ xem xét theo đúng chủ trương sắp xếp, tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước.

Bộ trưởng Đam cho biết, với trọng tâm là sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thời gian tới định hướng sẽ giữ lại 5 - 7 tập đoàn có vai trò lớn trong sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội như dầu khí, viễn thông... "Thủ tướng sẽ có trách nhiệm cao hơn đối với một số ít hơn các tập đoàn", người phát ngôn của Chính phủ cho biết.

Cũng theo ông Đam, Chính phủ sẽ phân định rõ trách nhiệm quản lý của các cấp đối với các doanh nghiệp nhà nước. Các tập đoàn quan trọng với quốc kế dân sinh sẽ tăng cường trách nhiệm của Thủ tướng, còn các đơn vị khác sẽ được tổ chức lại, trao quyền trực tiếp cho các bộ chủ quản là cấp trên trực tiếp. Việc này, theo Bộ trưởng Đam, nhằm quy định rõ trách nhiệm cho từng bộ ngành, cá nhân, tổ chức trong việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay quá trình này vẫn đang được Chính phủ xem xét, nên chưa có câu trả lời về hướng sắp xếp, tái cấu trúc các tập đoàn còn lại.

Nhà nước - tư nhân: ai nên là chủ đạo?

Trong bản Báo cáo kinh tế vĩ mô có tên "Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cấu trúc" do Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa công bố, các tác giả cũng đưa ra nhiều khuyến cáo đáng chú ý về tư duy "kinh tế nhà nước là chủ đạo". Theo đó, tư duy này sẽ cản trở quá trình tái cơ cấu kinh tế, vì các nguồn lực khác của nền kinh tế khó có thể hướng vào những nơi hiệu quả nhất.

"Tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo” rõ ràng đã tạo lập môi trường kinh doanh thiếu sự cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch và lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, khiến khu vực tư nhân khó có cơ hội tiếp cận các nguồn đầu vào và cơ hội kinh doanh một cách bình đẳng", các tác giả Tô Trung Thành và Nguyễn Ngọc Anh phân tích.

Ngoài ra, cách diễn giải "sử dụng các DNNN - đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn - làm "công cụ điều tiết vĩ mô" được cho là thiếu cơ sở, biến một thành viên kinh tế đáng lẽ ra bình đẳng với các thành viên khác trở nên có ưu thế tuyệt đối. Điều này, theo các tác giả, dẫn đến nhiều hệ lụy về bất bình đẳng trong kinh doanh, độc quyền và kém hiệu quả, giá cả bị bóp méo, sự đầu tư ngoài ngành tràn lan...

Bản báo cáo cũng bày tỏ lo ngại rằng tư duy "kinh tế nhà nước là chủ đạo" đang tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các nhóm lợi ích tận dụng triệt để, phục vụ lợi ích một số cá nhân.

"Đây là miếng đất mầu mỡ để tạo ra các mối “quan hệ” vây quanh các tập đoàn và tổng công ty nhà nước nẩy nở và phát triển. Thực trạng này đã dẫn đến sự ra đời và lớn mạnh nhanh chóng của một số doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam, phất lên nhanh chóng không phải từ tiến bộ khoa học - công nghệ, tăng năng suất lao động, bảo vệ môi trường mà chủ yếu do khai thác các tài nguyên đất đai, gỗ, mỏ, biển v.v... Những ông chủ doanh nghiệp này mặc nhiên tự cho mình có những đặc quyền riêng, trong không ít trường hợp thiếu tôn trọng pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động", báo cáo nói.

Chính vì thế, các tác giả cho rằng "không thể không thay đổi tư duy về kinh tế nhà nước". Cụ thể là kinh tế nhà nước chỉ tập trung khắc phục các khuyết tật chủ yếu của kinh tế thị trường, tham gia các lĩnh vực mà tư nhân không muốn hoặc không thể tham gia, cung cấp dịch vụ công... Các tác giả khuyến khích sự thoái lui của nhà nước trong vai trò chủ đầu tư và chủ sở hữu doanh nghiệp; nâng cao vai trò định hướng, năng lực quản lý vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thân thiện cho mọi thành phần kinh tế.

Các tác giả cũng khuyến nghị một sự thay đổi theo chiều hướng ngược lại về vai trò của khu vực tư nhân. Cụ thể, khu vực kinh tế tư nhân không chỉ được coi là “một trong những động lực phát triển của nền kinh tế” mà cần khẳng định là “động lực cơ bản” nhằm tạo ra được những bứt phá trong phát triển kinh tế.

"Đổi mới tư duy về vai trò “động lực” của khu vực kinh tế tư nhân sẽ góp phần quan trọng để thay đổi tư duy chiến lược trong khâu thiết kế và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nhằm tạo ra môi trường cũng như cơ hội tiếp cận bình đẳng tới các nguồn lực phát triển giữa các loại hình doanh nghiệp khác nhau, theo đó, góp phần quan trọng cho tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng", vẫn theo Tô Trung Thành và Nguyễn Ngọc Anh.
Hồng Kỹ