Grab xin lùi thời gian báo cáo Bộ Công Thương thương vụ “thâu tóm” Uber
(Dân trí) - Tính đến chiều nay (3/4), đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết chưa nhận được báo cáo của Grab. Phía Grab xin lùi thời hạn nộp tài liệu này tới thứ Sáu ngày 6/4.
Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có văn bản gửi tới Grab yêu cầu báo cáo việc mua bán Uber trước ngày 3/4/2018.
Tuy nhiều đến chiều nay (3/4), đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết chưa nhận được báo cáo. Theo đó, phía Grab xin lùi thời hạn nộp tài liệu này tới thứ Sáu ngày 6/4.
Trao đổi với Dân trí cùng ngày, đại diện phía Grab cho biết chưa thể chia sẻ lý do vì sao lùi thời gian báo cáo. Đại diện doanh nghiệp này cho biết sẽ liên hệ với bên pháp chế công ty và có thông tin sớm nhất có thể.
Theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, quy định của Luật Cạnh tranh đó là những trường hợp mua bán - sáp nhập (M&A) mà có ảnh hưởng lớn đến mức độ cạnh tranh của thị trường sẽ bị hạn chế.
Trong trường hợp Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á, thì theo quy định, Grab - Uber phải gửi thông báo đến cơ quan cạnh tranh về vụ mua bán để cơ quan này xem xét về ảnh hưởng mức độ cạnh tranh trước và sau khi mua bán.
Nếu Cục Quản lý cạnh tranh thấy không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể hoặc ảnh hưởng đáng kể nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ, thì thương vụ mới được phép tiến hành.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, văn phòng ở nước ngoài nhưng phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Còn nếu một hãng, doanh nghiệp mua 50% thị phần, theo pháp luật Việt Nam điều này không được phép. Bộ Công Thương đang chờ báo cáo.
"Sau khi nhận được báo cáo của Grab, Bộ Công Thương sẽ có cơ sở đánh giá quá trình mua bán này ở mức độ nào, có vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh hay không? Việc mua bán có được phép hay không?", ông Hải nói. Ông Hải cũng nhấn mạnh, dù việc mua bán của Grab và Uber như thế nào thì các bên cũng phải đảm bảo quyền lợi cho lái xe.
Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng rất khó để xác định Grab có vi phạm hay không vì Grab và Uber chưa được định danh rõ ràng tại Việt Nam là công ty hoạt động thương mại điện tử hay là giao thông vận tải. Trong khi đó, đây là căn cứ để xác định xem Grab mua Uber là bao nhiêu % và điều này có vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh, hướng đến độc quyền hay không.
Được biết, không chỉ cơ quan quản lý Việt Nam, liên tiếp ba nước khác tại Đông Nam Á (Philippines, Singapore và Malaysia ) cũng đã tiến hành điều tra thương vụ sáp nhập Uber vào gã khổng lồ Grab vì lo nguy cơ độc quyền.
Đáng chú ý, Ủy ban Cạnh tranh Singapore (CCS) đã tuyên bố có đủ căn cứ hợp lý để nghi ngờ thỏa thuận Grab-Uber có thể triệt tiêu cạnh tranh tại thị trường Singapore.
Nguyễn Khánh