Hé lộ bất ngờ về gói thầu 35.000 tỷ đồng: Một liên danh đã lọt vòng 1
(Dân trí) - Theo nguồn tin của Dân trí, có một đơn vị đã đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành.
Cụ thể, nguồn tin này của phóng viên Dân trí cho biết, danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 5.10 (trị giá 35.000 tỷ đồng) của Sân bay quốc tế Long Thành mới đây đã được công bố. Một liên danh được nêu trong danh sách.
Nguồn tin này cho hay đại diện liên danh này sẽ tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính vào ngày 4/8 tới đây.
Theo tìm hiểu, gói thầu 35.000 tỷ đồng có 2 vòng mở thầu. Vòng đầu tiên là mở hồ sơ về yêu cầu kỹ thuật, vòng thứ 2 là mở hồ sơ về tài chính. Liên danh vượt qua vòng 1 nếu đạt chuẩn vòng 2 thì khả năng nắm trong tay phần thắng thầu gói thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành.
Tham dự gói thầu sân bay Long Thành có 3 liên danh.
Đầu tiên là liên danh Hoa Lư do 7 nhà thầu trong nước và một nhà thầu Thái Lan cùng hợp sức. Các thành viên trong liên danh là Coteccons, Unicons, Thành An, Delta, Central, An Phong, Hòa Bình và một nhà thầu của Thái Lan là Powerline Engineering Public. Trong đó, Coteccons đứng đầu liên danh.
Liên danh khác do China Harbour Engineering Company (CHEC) đứng đầu, cùng với một công ty khác cũng đến từ Trung Quốc là Beijing Construction (BCEG).
Liên danh thứ 3 là Vietur. Đứng đầu danh sách liên danh là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas, nhà thầu top 3 của Thổ Nhĩ Kỳ được giới thiệu là có kinh nghiệm thi công nhiều sân bay quốc tế lớn.
Các nhà thầu thành viên trong liên danh này là những đơn vị trong nước, như Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty cổ phần Kết cấu ATAD, Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty cổ phần Hawee, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP.
Điểm nhấn của liên danh Vietur là sự có mặt của một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương - cựu Chủ tịch HĐQT Coteccons - như Ricons, Newtecons và SOL E&C.
Ngoài ra, Vinaconex cũng góp mặt trong liên danh. Nhà thầu này được biết đến là có kinh nghiệm, năng lực xây dựng, xây lắp, từng thi công gói thầu nhà ga T2 sân bay Phú Bài - Huế (giá trị hơn 2.250 tỷ đồng).
Theo đánh giá từ Công ty Chứng khoán VietCap (VCSC), gói thầu 5.10 của Sân bay Long Thành tương ứng một khối lượng đơn đặt hàng tồn đọng (backlog) khá hấp dẫn, tương đương với 126% tổng giá trị hợp đồng ký mới hàng năm của Coteccons và Xây dựng Hòa Bình trong giai đoạn 2019-2022.
Công ty này ước tính tổng lợi nhuận tối đa cho một nhà thầu tham gia gói 5.10 sẽ rơi vào khoảng 525 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này là tương đối lớn so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019-2022 của Coteccons (264 tỷ đồng), Xây dựng Hòa Bình (lỗ ròng 133 tỷ đồng) và Vinaconex (866 tỷ đồng).
Tuy nhiên, do thời gian xây dựng ước tính cho Sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 39 tháng (tương đương với thời gian hoàn thành ước tính vào cuối năm 2026 hoặc giữa năm 2027, tùy thuộc vào ngày khởi công xây dựng thực tế), tổng lợi nhuận ước tính trên sẽ được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 3,5 năm.