Giữa đại dịch, Tổng thống Trump tiếp tục đe dọa thuế quan với Trung Quốc

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm đã đe dọa tiếp tục áp thuế quan với Trung Quốc, đẩy mạnh các cuộc tấn công vào Bắc Kinh về lý do gây ra cuộc khủng hoảng Coronavirus.

Giữa đại dịch, Tổng thống Trump tiếp tục đe dọa thuế quan với Trung Quốc - 1
Lời đe dọa được đưa ra khi dữ liệu cho thấy Mỹ đã phải cắt giảm hơn 30 triệu việc làm trong sáu tuần, khi các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc bắt đầu gây ra nhiều tác động.

Tổng thống Trump thậm chí còn nói rằng ông đã thấy bằng chứng có liên quan của một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán với virus truyền nhiễm.

Sự ảm đạm của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang song hành cùng những “người bạn” trên Đại Tây Dương, nơi các chuyên gia cảnh báo về một thảm họa tài chính chưa từng có ở châu Âu.

Sự bùng phát của coronavirus cho đến nay đã giết chết hơn 230.000 người và buộc hơn một nửa nhân loại phải sống dưới việc phong tỏa, điều này đã làm tê liệt các nền kinh tế.

Virus này được cho là bắt đầu từ cuối năm ngoái tại một khu chợ ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc chuyên bán động vật hoang dã, nhưng đã có nhiều suy đoán xoay quanh việc một phòng thí nghiệm tuyệt mật đã tạo ra và phát tán virus này.

Khi được các phóng viên hỏi liệu ông có nhìn thấy bất cứ điều gì mang lại cho ông niềm tin và bằng chứng cao độ rằng Viện Virus học tại Vũ Hán là nguồn gốc của sự bùng phát hay không, Tổng thống Trump trả lời: "”Vâng, tôi có thấy”

Khi nhiều phóng viên tại Nhà Trắng hỏi chi tiết về điều gì khiến ông tự tin khẳng định như vậy, Tổng thống trả lời: “Tôi không thể nói với bạn điều đó".

Trump đang ngày càng đẩy mạnh việc tấn công vào Bắc Kinh, biến đây trở thành vấn đề chính cho chiến dịch tái tranh cử tháng 11 của ông.

Khi được hỏi về việc liệu ông có thể hủy bỏ nghĩa vụ nợ của Mỹ đối với Trung Quốc hay không, Tổng Trump nói rằng ông có thể “làm khác đi” và cỏ thể hành động “một cách thẳng thắn”.

“Tôi có thể tăng thêm thuế quan”, ông nói.

Mặc dù một thỏa thuận đình chiến trong cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh đạt được vào tháng 1 năm nay, nhưng thuế quan vẫn đang được áp dụng đối với hai phần ba mặt hàng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế.

Thị trường châu Âu u ám

Các thị trường châu Âu và Mỹ vừa kết thúc một ngày với những thống kê âm, khi một loạt các số liệu khẳng định rằng khủng hoảng COVID-19 đang ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng với tăng trưởng toàn cầu.

Các tuyên bố thất nghiệp mới nhất của thêm 3,84 triệu người Mỹ đã khiến tổng số người thất nghiệp tại quốc gia này đạt tới một kỉ lục mới - khoảng chín phần trăm dân số Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong sáu tuần.

Ở tiểu bang Michigan ở miền Trung Tây nước Mỹ, những người biểu tình - một số trong số họ đeo vũ trang - đã xông vào tòa nhà thủ đô của bang, yêu cầu Thống đốc xóa bỏ các quy tắc phong tỏa chặt chẽ, mà theo họ đã làm tổn hại nền kinh tế và đại diện cho sự vi phạm đến quyền tự do của người dân.

Dữ liệu việc làm của Mỹ đi kèm với những thông điệp về nền kinh tế khó khăn từ chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Christine Lagarde.

"Khu vực đồng euro đang phải đối mặt với sự thu hẹp nền kinh tế về cường độ và tốc độ chưa từng có trong thời bình”, bà cảnh báo.

Các nhà kinh tế của ECB dự kiến ​​sản lượng trong của 19 quốc gia trong khối EU sẽ giảm “từ 5 đến 12%" trong năm nay..

Số liệu của Eurostat cho thấy nền kinh tế khu vực của khu vực đồng Euro được ước tính đã giảm 3,8% trong quý đầu tiên.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, “sẽ trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử nước cộng hòa liên bang từ khi thành lập năm 1949” - Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier cảnh báo, dự báo nền kinh tế sẽ giảm xuống mức kỷ lục 6,3%.

Hôm thứ Năm, Đức đã đẩy nhanh kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ việc phong tỏa chống vi-rút, chuẩn bị mở lại các nhà thờ, bảo tàng và sở thú và các cửa hàng mua sắm.

Thủ tướng Angela Merkel nói: "Điều tuyệt đối quan trọng là chúng tôi phải giữ kỷ luật".

Thùy Dung

Theo RFI