Giữa cơn bão thuế quan, đồng yên Nhật trở thành "hầm trú ẩn" được ưa chuộng

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Đồng yên Nhật bật tăng mạnh và trở thành tài sản trú ẩn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.

Đồng yên Nhật ghi nhận đà tăng ấn tượng so với USD, đẩy tỷ giá USD/yên lùi về gần mức 143,5. Diễn biến này cho thấy giới đầu tư đang tìm đến yên Nhật như một kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường đầy biến động.

Các loại tiền tệ châu Á cũng đều tăng giá, với đồng ringgit Malaysia tăng 0,72% so với USD. Đồng won Hàn Quốc và đồng đôla Singapore cũng đều tăng giá.

Theo ông Shoki Omori, chiến lược gia toàn cầu tại Công ty Tài chính Mizuho Securities, đà tăng của đồng yên được thúc đẩy bởi tâm lý lo ngại rủi ro của giới đầu tư, sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ tung đòn thuế quan mạnh tay hơn dự đoán đối với Trung Quốc.

Ông cũng cho biết đợt bán tháo gần đây của trái phiếu Chính phủ Mỹ đã khiến các nhà đầu tư đổ xô vào những tài sản trú ẩn an toàn như đồng yên, đồng franc Thụy Sỹ và vàng. 

Các chuyên gia nhận định rằng Nhật Bản có nền kinh tế lớn, sự ổn định chính trị và thanh khoản thị trường tài chính tốt. Nhờ vậy, tiền tệ của nước này đã trở thành một tài sản trú ẩn an toàn và hấp dẫn.

Có thể thấy, trái phiếu kho bạc Mỹ luôn được coi là tài sản trú ẩn an toàn và có rủi ro thấp. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại leo thang đã thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển từ trái phiếu Chính phủ Mỹ sang các loại tiền tệ, góp phần khiến giá đồng yên tăng mạnh. 

Giữa cơn bão thuế quan, đồng yên Nhật trở thành hầm trú ẩn được ưa chuộng - 1

USD liên tục mất giá so với đồng yên Nhật (Ảnh: Tradingview).

"Thị trường muốn đầu tư vào những nơi có tăng trưởng mạnh, nhưng Mỹ lại cho thấy họ không tìm cách tối đa hóa tăng trưởng. Và việc này khiến thị trường hoang mang", ông Adam Button, chuyên gia phân tích tiền tệ của công ty tài chính ForexLive, nhận định với CNBC.

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp suy giảm mạnh, hoạt động tiêu dùng cũng suy yếu trong khi lạm phát có xu hướng ở mức cao dai dẳng trên mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

"Các số liệu thống kê không có nhiều ý nghĩa vào thời điểm này, vì đều phản ánh những gì đã xảy ra. Giờ là lúc nhà đầu tư nhìn về những gì có thể sẽ xảy đến. Chúng ta cần cố gắng hình dung điều đó sẽ diễn ra trong bao lâu và gây ra những tác động như thế nào", ông Button nói thêm.

Ông Kamakshya Trivedi, trưởng chiến lược ngoại hối và lãi suất toàn cầu của Goldman Sachs, nhận định yên là đồng tiền phòng hộ tốt nhất cho nhà đầu tư trong trường hợp kinh tế Mỹ suy thoái. "Đồng yên có khuynh hướng tăng giá mạnh nhất khi lãi suất thực và thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm", ông Trivedi nói với Bloomberg.

Gần đây, Goldman Sachs điều chỉnh dự báo về chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm nay, cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất 3 lần thay vì 2 lần như dự báo trước đó vì áp lực mà chính sách thuế quan của ông Trump đặt ra cho kinh tế Mỹ. "Với mối lo ngại về kinh tế Mỹ, đồng yên là một sự phòng hộ tốt", ông nói thêm.

Tuy nhiên, đặt cược vào đồng yên không phải là không có rủi ro. Đồng tiền này đã mất giá trong 4 năm qua do chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ. Tháng 7/2024, yên giảm giá còn 161,95 yên đổi một USD, mức thấp nhất kể từ năm 1986.

Theo Bloomberg, CNBC