Hệ thống đã mượt, chứng khoán vẫn "rơi" hơn 56 điểm vì sao?
(Dân trí) - Chưa kịp mừng vì tài khoản đang lãi ở phiên sáng thì đến cuối phiên chiều, nhà đầu tư tá hỏa nhìn tài khoản "bốc hơi". Cú bán tháo chóng vánh rất khó giải thích, hệ thống trơn tru lại trở nên bất lợi.
"Lên thang bộ, xuống thang máy"
Trong phiên giao dịch chiều 6/7, thị trường chứng khoán lao dốc rất bất ngờ và khiến hầu hết nhà đầu tư "đứng hình", không kịp phản ứng.
VN-Index mất 56,34 điểm tương ứng 3,99% lùi về 1.354,79 điểm; VN30-Index giảm tới gần 69 điểm (tương ứng 4,43%); HNX-Index giảm 9,25 điểm tương ứng 2,82% và UPCoM-Index giảm 1,41 điểm tương ứng 1,55%.
Cú sụt chỉ diễn trong vòng một giờ cuối cùng, chính xác là từ 14h20 hết đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC). Tài khoản của nhiều nhà đầu tư vẫn trong trạng thái lãi ở phiên sáng thì đến hết phiên chiều đã lỗ nặng.
Điểm bất thường là nhiều cổ phiếu trong nhóm ngân hàng, chứng khoán bị "bay màu" rất nhanh, đang tăng giá bỗng cuối phiên giảm sàn.
Lấy ví dụ một số mã chứng khoán như VDN, APS, AAS, MBS, SHS, VDS, HCM… trong phiên đều có lúc được giao dịch ở mức giá "xanh" nhưng kết quả đóng cửa ở mức sàn.
APS giảm sàn mất tới 10%, tương ứng nhà đầu tư mua vào cổ phiếu này ở giá cao còn thiệt hại nặng nề hơn nữa. Thậm chí, AAS giảm sàn mất 14,5% về 14.100 đồng nhưng trong phiên có lúc mã này được giao dịch ở 17.100 đồng.
Với cổ phiếu ngân hàng, nhiều mã đang tăng trước phiên ATC thì đóng cửa đã giảm giá mạnh, thậm chí giảm sàn. Những mã được đánh giá là "mạnh" như MSB, CTG, OCB, TCB, MBB, TPB, LPB đều giảm sàn dù có lúc trong phiên được giao dịch giá cao. BVB có lúc giao dịch tại 25.800 đồng nhưng cuối phiên lại giảm tới 8,1% về 22.700 đồng.
Chỉ một phiên giảm sàn có thể cuốn phăng toàn bộ lợi nhuận mà nhà đầu tư đã tích lũy trước đó mà chưa hiện thực hóa. Nói cách khác, "lên bằng thang bộ, xuống bằng thang máy" là để nói về những phiên giao dịch như hôm nay.
Những nhà đầu tư lỡ "đu đỉnh" các cổ phiếu này cần ít nhất một phiên tăng trần và một phiên tăng giá để "về bờ" (hòa vốn) và tình huống này rất ít khi xảy ra. Việc hồi phục sau một cú sốc luôn cần thời gian.
"Bay" hơn 56 điểm vì đâu?
Chính bởi diễn biến giảm đột ngột nên hầu hết nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường đều ngỡ ngàng không hiểu nguyên nhân đến từ đâu.
Xét về vĩ mô, mặc dù diễn biến của dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp, song theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, các chỉ số kinh tế đều tích cực, thậm chí vượt kỳ vọng.
Cụ thể, bất chấp dịch Covid-19 tấn công các khu công nghiệp và các trung tâm sản xuất thì tăng trưởng GDP quý II ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020.
Sáu tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 93.200 doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Tóm lại, tình trạng giảm điểm mạnh được cho là "không có nguyên nhân" ngoài lý do nhà đầu tư lớn "chốt lời" và nhà đầu tư nhỏ lẻ theo đó cũng bán tháo theo lệnh MP và ATC.
Đúng vào lúc nhà đầu tư đang ngỡ ngàng, ngơ ngác thì trên các nhóm Zalo xuất hiện thông tin do một môi giới thông báo với nhà đầu tư rằng: "Chiều nay các công ty chứng khoán gặp phải là do không nhận được lệnh trả về, tương tự như khi hệ thống cũ bị đơ.
Tuy nhiên đến gần ATC thì tất cả các lệnh lại được vào hệ thống cùng một lúc nên vô hình trung tạo ra một tình huống "wash out" (bán tháo - PV). Với rủi ro hệ thống như vậy thì tất cả thị trường đều bị ảnh hưởng nên lúc này cần chờ đợi thông tin từ HSX cũng như các công ty chứng khoán giải thích cũng như chờ thêm các thông tin hỗ trợ để có hướng xử lý vào ngày mai".
Đồng thời, một văn bản với nội dung cho biết trong phiên giao dịch ATC xảy ra tình trạng lỗi khi xử lý lệnh ATC với hệ thống của FPT và HSX. Văn bản này được đóng dấu HSX và ký tên ông Lê Hải Trà. Tuy vậy, không khó nhận ra đây là văn bản giả mạo do ngày ký ra văn bản là ngày 6/6 và font chữ sai lệch, việc sửa văn bản cũng rất vụng về.
Phía HSX cũng khẳng định văn bản đang lan truyền trên mạng xã hội về việc xảy ra lỗi vào phiên giao dịch ATC ngày 6/7 trên HSX là thông tin giả mạo. HSX tuyên bố hệ thống giao dịch của sở vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường trong phiên giao dịch ngày 6/7 và khuyến cáo các nhà đầu tư chứng khoán bình tĩnh, phân biệt thông tin giả mạo để tránh bị thiệt hại.
Một điều khá thú vị là trong bối cảnh của thị trường chiều nay, nhiều nhà đầu tư đã ước… giá như thị trường "nghẽn". Bởi khi thị trường "nghẽn" thì khả năng lệnh bán không được khớp và giảm áp lực từ phía cung, theo đó hiện tượng bán tháo có thể sẽ diễn ra không quá đột ngột.
Tuy nhiên, với hệ thống vận hành trơn tru và mượt, khi hoạt động bán tháo diễn ra, việc khớp lệnh không bị cản trở còn lực cầu lại chưa được cải thiện thì điều này sẽ khiến tình trạng giảm giá trở nên nhanh chóng hơn.
Thực tế, lo ngại bị "đánh úp" khi thị trường vận hành suôn sẻ hơn cũng đã từng được đặt ra trước đó, tuy nhiên, không ai ngờ cú "đánh úp" lại diễn ra vào chiều nay.
Giữa lúc thị trường dấy lên những nghi ngờ thì chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp cho rằng, thị trường tăng hay giảm đều không liên quan đến hệ thống mới mà do cung - cầu. Nhịp điều chỉnh là cần thiết kể cả trong xu hướng tăng (uptrend).
Dẫu vậy, vẫn thật khó giải thích rằng điều gì đã khiến nhà đầu tư trên thị trường bán vội cổ phiếu và bán bằng mọi giá, không phải trong phiên sáng hay đầu phiên chiều, mà lại là ở phiên ATC (?!)
Nhà đầu tư nên làm gì?
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán VIS, nhận định sự khác thường trong phiên hôm nay so với các đợt giảm sâu khác của thị trường chứng khoán là áp lực bán tháo chỉ xuất hiện trong khoảng 30 phút cuối.
Ông Khanh nêu quan điểm cá nhân có thể nhà đầu tư bị ảnh hưởng tâm lý bởi một số tin đồn bên ngoài thị trường nên đã bán mạnh cổ phiếu. "Nếu do tin đồn, thị trường có thể không giảm sâu, chỉ giảm 1-2 phiên, ngày mai sẽ sớm có nhịp hồi phục", ông Khanh nói.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, nhà đầu tư cá nhân mới (F0) chiếm tỷ lệ rất đông đảo. Chuyên gia này không loại trừ khả năng những nhà đầu tư F0 sử dụng đòn bẩy (margin) cao, lo lắng khi thị trường bắt đầu rung lắc và bán ra cổ phiếu.
"Nhà đầu tư F0 chưa có kinh nghiệm nhiều. Tài khoản của họ có thể bị căng cứng nên thấy thị trường giảm sẽ bán sớm, tránh bị bán giải chấp (call margin), ông chia sẻ. Call margin là việc nhà đầu tư vay tiền công ty chứng khoán để mua chứng khoán và khi giá cổ phiếu giảm gần dưới ngưỡng an toàn so với tài sản đảm bảo của nhà đầu tư, công ty chứng khoán sẽ yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm tiền hoặc bán bớt chứng khoán tỷ lệ vay margin ở ngưỡng an toàn. Ngược lại, nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm sẽ chủ động cân bằng tài khoản, có tâm lý thoải mái hơn trước những phiên điều chỉnh mạnh như hôm nay.
Theo ông Khanh, nhà đầu tư không nên quá lo lắng sau phiên 6/7 vì thị trường vẫn chưa hình thành xu hướng đảo chiều giảm. Trong phiên tiếp theo, VN-Index có thể điều chỉnh thêm nhưng nếu chạm ngưỡng hỗ trợ ở vùng 1.320 điểm, nhiều khả năng dòng tiền sẽ nhảy vào và kéo thị trường hồi phục.
Chuyên gia chứng khoán này cho rằng những đợt thị trường điều chỉnh sâu cũng là cơ hội để nhà đầu tư mua tích lũy thêm cổ phiếu. Ông Khanh nêu quan điểm định giá thị trường hiện nay không còn rẻ nhưng cũng chưa ở mức đắt. Do đó, thị trường vẫn sẽ đi ngang hoặc đi lên.
Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh tốt vẫn tăng giá nhưng khó khăn của các nhóm ngành bị ảnh hưởng vì dịch bệnh cũng sẽ phản ánh vào giá.
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, khuyến nghị nhà đầu tư cần bình tĩnh, không nên hoảng loạn. Ông Minh cho rằng thị trường về dài hạn vẫn tích cực nên nhà đầu tư kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu sẽ gặt hái thành quả. Nhưng trong ngắn hạn, xu hướng khó đoán hơn và việc bắt đáy tiềm ẩn rủi ro.
Ông Minh phân tích mức định giá của VN-Index theo P/E (hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phần) sáng 6/7 đạt 19,2 lần, cao hơn 19% P/E trung bình của 3 năm gần nhất và đứng thứ hai trong 10 năm qua chỉ sau năm 2018 (P/E 22 lần). Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 kéo dài, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp dự kiến khả năng không đạt được con số dự báo trước đó.
Một số cổ phiếu dẫn dắt thị trường thời gian qua như nhóm thép, ngân hàng cũng đã đạt đỉnh. Do đó, nhà đầu tư đang có tâm lý thận trọng hơn trước và sẵn sàng bán cổ phiếu mạnh tay hơn để đảm bảo an toàn. Đây có thể là những nguyên nhân khiến chứng khoán phiên 6/7 điều chỉnh sâu.