Giới đầu cơ đang tháo chạy khỏi thị trường dầu
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao dịch tại thị trường New York hiện đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh hồi tháng 6...
Các nhà đầu cơ trên thị trường dầu lửa quốc tế đang mất dần niềm tin vào khả năng hồi phục của giá dầu, vì vậy đã bán tháo mạnh các hợp đồng dầu, hãng tin Bloomberg cho biết.
Theo số liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa giao sau Mỹ (CFTC), trong vòng 7 ngày tính đến ngày 21/7, số hợp đồng đầu cơ giá lên (long) tại thị trường Mỹ giảm 5,2%, xuống mức thấp nhất trong 2 năm. Trái lại, lượng dầu trong các hợp đồng đầu cơ giá xuống tăng 25%, lên mức cao nhất kể từ tháng 3.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao dịch tại thị trường New York hiện đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh hồi tháng 6, đáp ứng định nghĩa của thị trường giá xuống (bear market).
Sản lượng dầu lửa của Mỹ đang ở gần mức cao nhất trong 4 thập niên, trong khi các nước thành viên lớn nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) như Saudi Arabia đang khai thác dầu với sản lượng kỷ lục. Những nhân tố này khiến thị trường dầu tiếp tục ở trong tình trạng thừa cung.
Ngoài ra, giá dầu còn giảm theo xu hướng giảm chung của giá các loại hàng hóa cơ bản, xuất phát từ những mối lo ngại liên quan tới giảm tốc tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và sự tăng giá của đồng USD. Hiện giá hàng hóa cơ bản nói chung đã giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm.
“Nguồn cung dầu vẫn đang vượt quá mức cân bằng của thị trường”, chiến lược gia hàng hóa cơ bản Katherine Spector thuộc công ty CIBC World Markets Inc. ở New York nhận xét. “Chúng tôi dự báo sự cân bằng toàn cầu sẽ được cải thiện trong nửa sau của năm nay và trong năm 2016. Ở thời điểm hiện tại, điều đó chưa xảy ra”.
Trong khoảng thời gian 7 ngày mà báo cáo của CFTC đề cập, giá dầu thô ngọt nhẹ tại thị trường New York giảm 2,68 USD/thùng, tương đương giảm 5,1%, còn 50,36 USD/thùng. Hai ngày sau đó, giá dầu rơi vào trạng thái thị trường giá xuống và rớt xuống 48,14 USD/thùng vào hôm 24/7, mức thấp nhất kể từ ngày 31/3.
Tính đến ngày 21/7, số hợp đồng đầu cơ đầu giá lên tại Mỹ nhiều hơn số hợp đồng đầu cơ giá xuống 106.383 hợp đồng, giảm 28% so với trước đó 1 tuần và là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2012.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, nguồn cung dầu thô của nước này hiện đang cao hơn khoảng 100 triệu thùng so với mức trung bình của 5 năm. Còn theo số liệu của công ty Baker Hughes, trong tuần trước, các công ty khai thác dầu của Mỹ đã tăng số giàn khoan hoạt động thêm 21 giàn, lên mức 659 giàn.
Những dự báo về việc Iran tăng xuất khẩu dầu sau khi được nới lệnh trừng phạt cũng đang gây sức ép không nhỏ đối với giá năng lượng này. Sau khi đạt thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc, Iran sẽ tiến tới được nới lỏng trừng phạt kinh tế, từ đó sẽ tăng dần khối lượng dầu xuất khẩu, cho dù giá dầu có bị ảnh hưởng ra sao. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Iraq, ông Bijan Namdar Zanganeh tuyên bố hôm 20/7.
“Saudi Arabia đang theo đuổi lợi ích riêng của họ. Họ nhận thấy việc Mỹ, Iraq và Iran tăng sản lượng, và họ sẽ không chịu để mất thị phần”, bà Sarah Emerson, Giám đốc công ty tư vấn năng lượng ESAI Energy Inc., nhận xét.
Theo nhận định của ngân hàng Morgan Stanley, có khả năng đợt sa sút này của ngành công nghiệp dầu lửa sẽ nghiêm trọng hơn những gì đã xảy ra vào năm 1986, thời điểm mà ngành này rơi vào đợt suy giảm mạnh nhất trong 45 năm.
Chiến lược gia Michael Hsueh của ngân hàng Deutsche Bank thì cho rằng, sớm nhất cũng phải tới nửa sau của năm 2017 thì thị trường dầu lửa toàn cầu mới có thể cân bằng trở lại nếu OPEC tiếp tục khai thác dầu với tốc độ hiện tại và sản lượng dầu của Mỹ đi ngang.
“Giá dầu còn nhiều dư địa để giảm. Sẽ phải mất nhiều thời gian để giá dầu tăng trở lại”, bà Emerson nói.
Theo Điệp Vũ
VnEconomy