Giấy phép con đang bị lạm dụng để gạt bỏ doanh nghiệp nhỏ khỏi thị trường
(Dân trí) - Nhiều điều kiện kinh doanh (ĐKKD) dường như lại được sử dụng như công cụ để gạt các doanh nghiệp nhỏ ra khỏi thị trường, ngăn ngừa doanh nghiệp mới tham gia thị trường để giảm áp lực cạnh tranh. Khi đặt ra ĐKKD cao, những doanh nghiệp nhỏ, những doanh nghiệp mới rất khó chen chân vào, dẫn đến độc quyền gia tăng.
Đây là chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xung quanh báo cáo về Hệ thống ĐKKD và cái giá của quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế.
Nhiều giấy phép núp bóng giấy chứng nhận
Theo đại diện VCCI, các ĐKKD ngày càng tinh vi và phức tạp, nó không còn chỉ mang tên là giấy phép, giấy chứng nhận như trước đây. Nhiều thủ tục thông báo mà thực ra là cấp phép, hay giấy phép nằm dưới dạng chấp nhận phương án kinh doanh, phù hợp quy hoạch, có giấy chứng nhận ủy quyền của nhà sản xuất hay phải dán tem cho sản phẩm...
Theo ông Tuấn, đằng sau nhiều giấy phép, ĐKKD có bóng dáng của lợi ích, bởi cấp phép là xin cho, muốn xin thì người đi xin phải “biết điều”! Đằng sau quy định về ĐKKD có thể là những trung tâm có thẩm quyền xét nghiệm, những nơi được đào tạo, cấp chứng chỉ… để thu phí. Hay đằng sau những thủ tục cấp phép khó khăn, mất thời gian thì lại nở rộ dịch vụ làm thủ tục nhanh chóng với chi phí cao…
"Nhiều ĐKKD dường như lại được sử dụng như 1 công cụ để gạt các doanh nghiệp nhỏ ra khỏi thị trường, ngăn ngừa doanh nghiệp mới tham gia thị trường để giảm áp lực cạnh tranh. Khi đặt ra ĐKKD cao, những doanh nghiệp nhỏ, những doanh nghiệp mới rất khó chen chân vào", ông Tuấn nói.
Theo VCCI, những ĐKKD hiện nay có thể là một chiến lược kinh doanh từ việc sử dụng chính sách của một số doanh nghiệp lớn: tìm cách dựng lên các hàng rào điều kiện thật khó, thật cao để đảm bảo giữ vững thị phần, tránh sự cạnh tranh.
"Ở Việt Nam cũng tìm thấy rất nhiều quy định quản lý nhà nước như vậy, muốn nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng của hãng sản xuất mà rất hiếm doanh nghiệp tư nhân trong nước có được; muốn kinh doanh phân phối gas phải có trên 100.000 bình gas, có ít nhất 20 đại lý, phải sở hữu trạm chiết nạp gas…; muốn kinh doanh vận tải ô tô phải có ít nhất 50 xe hay 20 xe; muốn kinh doanh xuất khẩu gạo phải có nhà xưởng, trạm xát… Tất nhiên các mục tiêu được đưa ra tất cả là nhằm bảo vệ người tiêu dùng, bảo đảm an toàn, bảo vệ ngành hàng…", VCCI ví dụ.
Một điều kiện kinh doanh có thể giết chết hàng trăm doanh nghiệp
Không chỉ số lượng các ĐKKD nhiều mà chất lượng của từng ĐKKD cũng tạo ra rào cản, chi phí cho doanh nghiệp. Theo đại diện của VCCI, trong báo cáo rà soát về ĐKKD ở một số ngành, nghề thuộc phạm vi quản lý của ba Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ gần đây của VCCI cho thấy một số ĐKKD đã can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp/mệnh lệnh hành chính.
Rất nhiều ĐKKD không chứng minh được vì mục tiêu này mà lại hướng đến chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp; hiệu quả kinh doanh – những vấn đề vốn dĩ do thị trường điều chỉnh. Đơn cử như: Yêu cầu điều kiện về nghiệp vụ chuyên môn của các nhân viên phục vụ trên phương tiện ô tô, tàu thủy nội địa; yêu cầu nhân viên phục vụ trên phương tiện vận chuyển khách du lịch phải được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.
ĐKKD thiếu minh bạch, các ĐKKD có đặc điểm này thường có những yêu cầu chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, tạo ra nhiều cách hiểu cho đối tượng áp dụng. Điều này sẽ trao quá nhiều quyền quyết định cho cán bộ thực thi, từ đó dễ nảy sinh tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, hành doanh nghiệp.
Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, những thiệt hại to lớn từ hàng rào giấy phép kinh doanh rất khó nhận ra. Nó không chỉ là thời gian, tiền bạc, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, xa hơn nó còn làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, tăng tham nhũng, tiêu cực của bộ máy nhà nước. Nó tạo ra những động lực ngược chiều đối với cả các doanh nghiệp và bộ máy hành chính nhà nước.
"Chúng ta đã thấy hệ quả tiêu cực của ĐKKD bất hợp lý trong lĩnh vực xuất khẩu gạo với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, tới bà con nông dân và tới cả ngành gạo Việt Nam. Nếu chỉ một giấy phép con, một loại ĐKKD vô lý còn tồn tại, nó có thể giết chết đi hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam, làm héo mòn sức sáng tạo và năng lực cạnh tranh", ông Tuấn nói.
Nguyễn Tuyền