Rủi ro "tái sinh" giấy phép con là rất cao
(Dân trí) - "Việc rà soát và cắt bỏ giấy phép (GP) và điều kiện kinh doanh (ĐKKD) như cách làm hiện nay có thể giúp giảm bớt một số bất hợp lý nhưng về cơ bản khó có thể tạo ra kết quả mang tính đột phá và bền vững. Rủi ro "tái sinh" các loại GP là rất cao và chất lượng quy định hành chính về kinh doanh sẽ tiếp tục thấp".
Đây là quan điểm của cựu nhà báo Huy Đức (tên thật: Trương Huy San) và đồng sự chuyên gia Nguyễn Quang Đồng đến từ Viện Chính sách công tại Viện Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đưa ra trong báo cáo về Điểm nghẽn của thể chế kinh tế, giấy phép (GP) và điều kiện kinh doanh (ĐKKD).
Báo cáo đưa ra hướng thảo luận của các nhà phân tích độc lập, giúp Chính phủ có những cái nhìn xác thực hơn về hai vấn đề được coi là điểm nghẽn thực thi.
Việt Nam rất dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình
Hai nhà phân tích lo ngại: Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã suy giảm đáng kể trong những năm gần đây. Nếu không đảo ngược được xu hướng tiêu cực này, Việt Nam sẽ tụt hậu xa hơn và kẹt lại trong nhóm nước thu nhập trung bình thấp.
Cụ thể, trong báo cáo gần 30 trang, hai nhà phân tích độc lập đưa ra bức tranh toàn cảnh về ĐKKD của Việt Nam hiện nay, đồng thời đưa minh chứng về rủi ro khiến việc cải cách GP con và ĐKKD có thể thất bại; phân tích hạn chế và đưa ra 5 khuyến nghị chi tiết, xác đáng.
Theo đánh giá nguyên nhân chính khiến “giấy phép con” bùng phát là sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường và hoạt động của DN do GP được xem là công cụ đóng vai trò chủ đạo, được xác lập dựa trên những nhận thức cũ về vai trò của "quản lý Nhà nước".
“Cách thức tổ chức bộ máy trao cho một cơ quan vừa có quyền soạn thảo chính sách, đặt GP và ĐKKD, đồng thời lại có quyền cấp phép và thực thi đã tạo ra xung đột lợi ích, làm trầm trọng thêm động cơ tham nhũng, trục lợi và dễ bị các ‘nhóm lợi ích’ chi phối quá trình ban hành chính sách”, các tác giả chỉ rõ.
Về cơ chế giám sát, Việt Nam thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát quy trình ban hành quy định hành chính độc lập, có quyền hạn phù hợp để hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, hệ thống tư pháp yếu, vừa không xử lý được các tranh chấp dân sự, tạo áp lực can thiệp hành chính; vừa không giúp người dân, DN có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Lập ủy ban giám sát và nâng quyền cho hệ thống tư pháp
Hai tác giả cho rằng, muốn giải quyết được dứt điểm vấn nạn ‘giấy phép con’, Chính phủ cần phải tiến hành một cuộc cải cách toàn diện và có hệ thống về Quy định hành chính trong kinh doanh.
Dấu hiệu "tham nhũng chính sách" của cơ quan quản lý ngành Chính phủ hiện nay vẫn duy trì một bộ máy vừa xây dựng quy định pháp luật, vừa thực thi việc cấp phép trong hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý của mình.
Những dấu hiệu tham nhũng, lợi ích nhóm trong các quy định liên quan đến đòi hỏi DN phải sở hữu kho chứa gạo trên 5.000 tấn và nhà máy xay xát mới được gia nhập thị trường; rồi quy định người đứng đầu cơ sở in phải có trình độ Cao đẳng, hay muốn kinh doanh taxi tại Hà Nội và TP.HCM phải có tối thiểu 50 xe trở lên....
Hai tác giả đưa ra khuyến nghị: Việt Nam nên thành lập một Ủy ban lâm thời về bãi bỏ và cải cách quy định hành chính về kinh doanh. Bên cạnh đó, phải tổ chức lại bộ máy các cơ quan Nhà nước điều tiết thị trường theo nguyên tắc tăng cường tính kỹ trị; tách biệt chức năng hành pháp chính trị và hành chính công vụ; tách biệt chức năng xây dựng chính sách (thiết kế GP) và thực thi (cấp phép và thanh kiểm tra).
Kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc năm 1997 cho thấy, việc thành lập một Ủy ban lâm thời giám sát tiến trình cắt giảm ĐKKD là cần thiết. Ủy ban lâm thời này làm việc theo mô hình tổ công tác chuyên trách có sự hậu thuẫn, được trao thẩm quyền pháp lý phù hợp.
Các tác giả kiến nghị trao thêm cho Tòa Hành chính hiện hành thẩm quyền được xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của các Quy định hành chính. Tòa có thẩm quyền tuyên hủy các Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư, Quyết định hành chính hạn chế quyền tự do kinh doanh một cách bất hợp lý ngay tại thời điểm văn bản được ban hành hoặc khi nhận được yêu cầu từ cá nhân công dân, DN hoặc Hiệp hội.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định xóa bỏ hơn 675 ĐKKD của Bộ Công Thương - nơi được xem là cái nôi sản sinh nhiều GP con và ĐKKD. Động thái này được Chính phủ, giới chuyên gia, DN và cộng đồng đánh giá rất cao. Nhiều chuyên gia ủng hộ và coi đây là quyết định được xem là "chưa từng có", "dũng cảm", "lịch sử". Tuy nhiên, có nhiều câu hỏi còn đặt nghi ngờ về hiệu lực thực hiện, cũng như là hiệu quả có tương xứng hay không? Ai sẽ là người giám sát thực thi? |
Nguyễn Tuyền