Giật mình chứng khoán Việt cứ đến lễ, tết là… "rực lửa"
(Dân trí) - Có thể là trùng hợp, song sự trùng hợp này lại diễn ra tương đối thường xuyên khiến nhà đầu tư phải giật mình: Không hiểu sao cứ đến dịp lễ, tết là thị trường lại "rực lửa".
Ngày vui hóa… buồn
Hôm nay (8/3), đến hẹn lại lên, VN-Index kết phiên bị "thổi bay" 25,34 điểm tương ứng 1,69% và đóng cửa thấp nhất phiên tại 1.473,71 điểm; HNX-Index giảm 6,98 điểm, tương ứng 1,54%, còn 445,89 điểm còn UPCoM-Index giảm 0,62 điểm, tương ứng 0,54%, còn 112,61 điểm.
Chị Lê Thị Hà Phương - một nhà đầu tư nữ chia sẻ trên một group về chứng khoán: "Hôm nay ngày vui chung của giới nữ, nhưng dứt khoát không phải là ngày may mắn của những chị em đầu tư chứng khoán".
"VN-Index giảm một phiên mà quét sạch lợi nhuận tích lũy được từ đầu năm đến nay. Một ngày thật buồn và đáng quên" - chị Nguyễn Thị Thảo, một nhà đầu tư khác trải lòng.
Tuy nhiên, việc thị trường rơi vào các kỳ lễ, tết thường không phải là hiếm, thậm chí có vẻ như khá thường xuyên trong thời gian gần đây. Ví như dịp Valentine 14/2 vừa rồi, VN-Index giảm 29,75 điểm, tương ứng 1,98%, xuống mức thấp nhất phiên 1.471,96 điểm;
Ngày giao dịch 23/12/2021 ngay trước Lễ Giáng sinh, VN-Index cũng mất 20,71 điểm, tương ứng 1,4% về 1.456,96 điểm sau khi giảm xấp xỉ 30 điểm trong phiên.
Ngày 20/10/2021, VN-Index rung lắc mạnh và có lúc giảm rất sâu hơn 19 điểm xuống mốc 1.376,15 điểm trước khi "rút chân" phiên ATC về 1.393,8 điểm.
Dù đây là phiên giảm không ai mong muốn, song những dấu hiệu không phải không có trước đó khi mà VN-Index đã loanh quanh vùng 1.500 điểm suốt nhiều phiên liền nhưng vẫn chưa thể vượt qua vùng này một cách thuyết phục.
Áp lực bán mạnh, nhiều dòng "cổ phiếu nóng" bị chốt lời
Ở phiên này, dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào thị trường với thanh khoản tăng mạnh so với hôm qua. Khối lượng giao dịch trên HoSE đạt trên 1 tỷ đơn vị, giá trị giao dịch 34.518,13 tỷ đồng; HNX có hơn 140 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 4.152,81 tỷ đồng; UPCoM có 105,46 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.274,21 tỷ đồng.
Như vậy, lực mua vẫn tốt nhưng việc các chỉ số đóng cửa thấp nhất trong phiên thể hiện bên bán đang áp đảo.
Bên cạnh nhóm vốn hóa lớn thì các cổ phiếu hưởng lợi từ giá hàng hóa thế giới và tình hình căng thẳng Nga - Ukraine đã có dấu hiệu chốt lời.
Tại nhóm dầu khí, trong khi PVC vẫn tăng 6,5% và PVD tăng nhẹ 0,4% thì GAS mất 3,1%; PLX giảm 3,2%; PVT giảm tới 4,8%; PVB giảm 4,9%; VTO giảm 6,6%; BSR giảm 2,7%; PVM giảm 3,1%.
Nhóm phân đạm có sự phân hóa khi NFC và VAF vẫn tăng trần, DDV tăng 6%; PMB tăng 2,5% nhưng PSE lại giảm 5,3%; DPM giảm 3,9%; BFC giảm 2,8%; DCM giảm 2,1%.
Dòng thép, nguyên vật liệu cơ bản tiếp tục bị chốt lời, nhiều mã giảm sâu như KSB giảm 5,5%; POM giảm 4,8%; HSG giảm 4,8%; SMC giảm 4,7%; TLH giảm 4,4%; HPG giảm 3,2%.
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục gây thất vọng khi không thể "cứu" thị trường mà còn khiến tình hình xấu hơn với việc VCB giảm 4%; MBB giảm 3,7%; PGB giảm 3,2%; KLB giảm 2,8%; STB giảm 2,1%; ACB giảm 2%.
Nhìn chung, nhà đầu tư vừa trải nghiệm một phiên giao dịch không mấy vui vẻ. Nhìn vào khối lượng giao dịch và diễn biến chỉ số thấy rằng lực bán rất lớn. Tuy vậy, ở khía cạnh tích cực thì hôm nay không có bán tháo do toàn thị trường chỉ ghi nhận 18 mã giảm sàn dù số lượng mã giảm áp đảo lên tới 718 mã so với 349 mã tăng.