1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước

Thảo Thu

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước kiến nghị giữ nguyên mức 300 triệu đồng như quy định từ 10/6/2013 để phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu khuyến nghị của FATF.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước, theo quy định tại khoản 2 điều 25 Luật Phòng chống rửa tiền.

Cụ thể, mức giá trị giao dịch phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước là 300 triệu đồng khi một khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hoặc nhiều lần trong một ngày.

Theo Ngân hàng Nhà nước, căn cứ vào quá trình triển khai Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg thời gian qua và tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam, việc giữ mức giá trị giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hoặc nhiều lần trong một ngày của khách hàng là 300 triệu đồng là phù hợp.

Giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước - 1

Nhằm mục đích chống rửa tiền trong nền kinh tế, các giao dịch có giá trị lớn từ 300 triệu đồng trở lên sẽ phải được báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Ảnh: Mạnh Quân).

Đồng thời, theo Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo được khuyến nghị là 15.000 USD, tương đương 375 triệu đồng, cao hơn mức quy định tại dự thảo quyết định.

"Tuy nhiên, nếu tăng mức giao dịch phải báo cáo lên 400 triệu đồng sẽ cao hơn ngưỡng của giá trị giao dịch phải báo cáo của FATF nên Ngân hàng Nhà nước kiến nghị giữ nguyên mức giá trị trên để phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu khuyến nghị", Ngân hàng Nhà nước nêu rõ trong tờ trình.

Hạn mức giao dịch phải báo cáo từ 300 triệu đồng được quy định từ ngày 10/6/2013. Trước đó, theo Nghị định 74/2005 của Chính phủ về phòng chống rửa tiền, tổ chức tín dụng sẽ phải giám sát và báo cáo các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là những khoản giao dịch có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên (với giao dịch tiền mặt) hoặc 500 triệu đồng (với giao dịch tiền gửi tiết kiệm).

Một số ý kiến cho rằng, việc tuân thủ các quy định tại bộ luật này còn miễn cưỡng và khó khả thi. Phía người dân thì cho rằng, nếu thực thi việc giám sát và báo cáo đối với các khoản giao dịch như trên thì họ sẽ không muốn quan hệ với ngân hàng vì có cảm giác tài sản của mình luôn bị theo dõi. Còn các ngân hàng lại lo ngại sẽ mất khách và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, việc báo cáo trên được xây dựng không nhằm hạn chế giao dịch tiền mặt. Đây là yêu cầu tổ chức tín dụng báo cáo con số giao dịch cho cơ quan giám sát. Cơ quan này sẽ tự mình giám sát và nếu có vấn đề gì mới xử lý, chứ hoàn toàn không cản trở, gây khó khăn hay công bố số liệu mà ngân hàng báo cáo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm