Giao dịch Bitcoin tại Việt Nam là “phạm pháp”
Thời gian gần đây, nhiều người tại Việt Nam quan tâm đến sự có mặt của đồng tiền Bitcoin; thậm chí có doanh nghiệp đã tuyên bố chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền này.
(Ảnh minh họa - RT)
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Thời tiết cả nước ấm áp trong và sau Tết Nguyên đán 10 quốc gia tốt nhất để kinh doanh trong năm 2014 Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra chất lượng quần áo, khăn ướt cho trẻ |
Tuy nhiên, mới đây, trên cổng thông tin của Ngân hàng Nhà nước, ở diễn đàn nghiên cứu trao đổi, đã đăng tải một bài viết mang tính cảnh báo đáng chú ý của tác giả Xuân Thanh.
Theo bài viết trên, Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp dựa trên một mã nguồn mở, giao thức thanh toán Internet ngang hàng, do Satoshi Nakamoto khởi xướng từ năm 2008, và đồng tiền này bắt đầu được sử dụng từ năm 2009.
Khác với các loại tiền tệ khác, hệ thống tiền tệ Bitcoin vận hành dựa trên mạng ngang hàng thuộc internet, mà không cần sự quản lý của ngân hàng trung ương.
Bitcoin không phải là đồng tiền điện tử đầu tiên, Linden của Second Life hay Vcoin của VTC đã ra đời trước Bitcoin khá lâu. Tuy nhiên, giá Bitcoin biến động rất nhanh trong những tháng gần đây đã thu hút sự quan tâm trên khắp thế giới.
Trong năm 2013, giá trị của Bitcoin tăng nhanh với tốc độ phi mã. Từ 13 USD/Bitcoin hồi tháng 1/2013, giá cả của một Bitcoin đã tăng lên 1.100 USD vào cuối năm, có thời điểm lên tới 1.216 USD.
Về bản chất, Bitcoin lấy ý tưởng từ hình thức chia sẻ thư mục (file) ngang hàng thông qua Bittorrent. Theo đó, người tham gia tự tạo ra tiền và tự trao đổi với nhau mà không cần sự can thiệp của cơ quan Nhà nước. Chi phí thanh toán bằng Bitcoin rẻ hơn nhiều so với thanh toán qua thẻ tín dụng và chuyển khoản, nên rất hấp dẫn những người muốn gửi tiền số lượng lớn. Người tham gia hệ thống tiền ảo Bitcoin cũng không phải nộp thuế giao dịch, do Bitcoin là đồng tiền do những người tham gia tạo nên.
Đặc thù tiếp theo của Bitcoin là không có một hệ thống thanh toán trung tâm và được giám sát bởi một định chế tài chính có uy tín. Nếu hệ thống Bitcoin ngừng hoạt động, sẽ không một bên cụ thể nào chịu trách nhiệm bồi hoàn.
Giao dịch Bitcoin được chuyển vô danh giữa các địa chỉ của người mua và người bán dựa trên các máy chủ ẩn giấu không xác định được địa điểm, những tín hiệu chuyển giao được phát tán với hàng nghìn máy chủ trên khắp thế giới. Trong khi đó, muốn có Bitcoin, khách hàng phải chuyển tiền thật vào một trung gian tài chính nào đó như Mt Gox để được cấp một tài khoản giao dịch.
Một số chyên gia coi Bitcoin là một công cụ tài chính được người mua hy vọng sẽ tăng giá trị trong tương lai, như đầu tư chứng khoán. Đó là, dùng tiền thật để mua Bitcoin rồi sau đó lại đổi sang tiền thật. Vấn đề là, việc thanh toán hay sử dụng Bitcoin trên mạng và ngoài đời có được nhiều người tham gia hay không.
Để có được đồng Bitcoin, người tham gia phải bỏ tiền vốn, thời gian, năng lực tính toán mới khai thác được. Về nguyên tắc, tất cả những ai tham gia vào mạng lưới Bitcoin đều có thể tạo ra những đồng Bitcoin mới. Vì thế, quá trình tạo tiền này được gọi là “khai mỏ”, đòi hỏi người tham gia phải bỏ tiền vốn, thời gian và công sức để xử lý giao dịch, càng nhiều người tham gia thì thời gian và công sức bỏ ra để có một Bitcoin càng tốn kém hơn. Để nhận được những đồng Bitcoin mới, người tham gia phải có máy tính mạnh và trình độ công nghệ thông tin để lập trình, xử lý giao dịch.
Hơn nữa, khi tham gia hệ thống Bitcoin, nhà đầu tư cũng phải cạnh tranh quyết liệt do một người có thể làm giả Bitcoin nếu có năng lực tính toán cạnh tranh được với năng lực tính toán của những người còn lại tham gia xử lý hệ thống, đây là nguy cơ có thật và là nhược điểm của hệ thống tiền tệ này.
Bên cạnh sự quan tâm của giới đầu tư, giá trị Bitcoin tăng nhanh và giao dịch ẩn danh đã khiến các nhóm tội phạm và rửa tiền cũng nhanh chóng tìm cách xâm nhập vào hệ thống tiền Bitcoin. Do hệ thống phần mềm quản lý Bitcoin sử dụng mật mã, cho phép người dùng trao đổi tiền mà không cần sự giám sát giao dịch và bảo vệ của bên thứ ba. Trong khi đó, tất cả các giao dịch đều được công khai trên block-chain (ghi lại số dư của mỗi tài khoản và lịch sử những tài khoản tham gia giao dịch trước đó), đây chính là nhược điểm để tin tặc lợi dụng và tấn công. Khi sử dụng mã độc nào đó để tấn công, tin tặc có thể đánh cắp tài khoản và mật mã của khách hàng, rút toàn bộ lượng tiền ảo Bitcoin từ một máy vi tính của khách hàng để chuyển đi nơi khác.
Cũng như kinh doanh vàng hay ngoại tệ, đầu tư hoạt động Bitcoin cũng ẩn chứa nguy nhiều cơ về bong bóng tài chính trong lĩnh vực tiền tệ trên internet.
Trên thế giới, luật pháp của hầu hết các quốc gia đều cấm các tổ chức hay cá nhân phát hành một đồng tiền song song với đồng tiền quốc gia. Ngoài khía cạnh chính trị, văn hóa, một nguyên nhân kinh tế của việc Nhà nước độc quyền phát hành tiền liên quan đến hệ thống thuế quốc gia. Đối với giao dịch qua Bitcoin, sẽ rất khó khăn cho cơ quan thuế điều tra hay theo dõi các hoạt động kinh tế trong hệ thống Bitcoin.
Theo tác giả bài viết trên, tại Việt Nam, đồng Bitcoin chưa được các cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận. Thị trường tài chính sẽ bị ảnh hưởng khi các giao dịch không phản ánh bằng đồng tiền chính thức.
Ngoài ra, tại điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 quy định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy và tiền kim loại của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hiện nay, giao dịch bằng đồng Bitcoin cũng giống như mua bán tài sản ảo trên mạng, nếu xảy ra tranh chấp hoặc thiệt hại, không có cơ quan nào đứng ra giải quyết.
“Do Bitcoin là hệ thống tiền ảo mới và các cơ quan quản lý phải theo dõi để xem xét, nên giao dịch Bitcoin được coi là phạm pháp, các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng”, bài viết trên cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước đưa ra khuyến cáo.
Theo Nhật Nam
VnEconomy