1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giao dịch bằng USD đang dần ổn định

Khảo sát của phóng viên tại các điểm thu đổi ngoại tệ và một số ngân hàng trên địa bàn TPHCM cho thấy, thông tin về tờ 100 USD series CB - B2 không gây xáo trộn thị trường như nhiều người lo ngại. Tại Hà Nội, các giao dịch có vẻ thận trọng hơn, song nhìn chung vẫn ổn định.

Theo ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh TPHCM, các thông tin mới chỉ cho thấy tờ 100 USD series CB được làm giả đã xuất hiện ở nước ngoài, chưa thấy trên thị trường VN.

Hiện việc mua bán ngoại tệ tại hệ thống ngân hàng cũng như các điểm trao đổi ngoại tệ bên ngoài ở TPHCM không có nhiều biến động. Giá mua bán của những tờ 100 USD series CB vẫn theo giá thị trường, nhìn chung không có sự ép giá. "Không chỉ có các ngân hàng muốn khẳng định điều này với người tiêu dùng mà ngay cả Vụ trưởng Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước VN Trương Văn Phước cũng có lời tương tự, nhằm ổn định tâm lý cho người tiêu dùng", ông Minh nhấn mạnh.

Ông Minh cho biết, trong mấy ngày gần đây giao dịch ngoại tệ tại các ngân hàng có chiều hướng tăng hơn so với 3 tháng đầu năm. Hiện Ngân hàng Nhà nước VN vẫn chưa có chỉ thị xuống các ngân hàng đối với các giao dịch liên quan đến đồng 100 USD có số series CB - B2, vì thấy vấn đề mà dư luận bàn tán về đồng tiền trên chưa rõ ràng.

Bà Lê Thị Mỹ, chủ một điểm trao đổi ngoại tệ, chợ An Đông cho biết, mấy tuần nay vẫn mua bán đồng đô la và các ngoại tệ khác, trong đó có tờ 100 USD series CB - B2. Cửa hàng vẫn chưa phát hiện một tờ tiền giả nào thuộc series trên.

"Hai tuần nay có rất nhiều người đến hỏi việc này hoặc những người trao đổi ngoại tệ cũng xem xét rất kỹ tờ 100 USD series CB. Nhưng tôi mua nếu như họ cần bán. Ngân hàng họ vẫn giao dịch thì chẳng có lý do gì mình không mua vào", bà Mỹ nói. Chợ An Đông là trung tâm trao đổi ngoại tệ sôi nổi của thành phố, và vẫn chưa có sự xáo trộn nào.

Tại những điểm trao đổi ngoại tệ của Ngân hàng ngoại Thương VN (Vietcombank), các tiệm vàng của PNJ và SJC trên đường Lê Lợi, Nguyễn Thị Minh Khai, tình hình cũng tương tự. "Chúng tôi vẫn giao dịch bình thường. Anh chị muốn bán bao nhiêu tờ 100 USD series CB chúng tôi đều mua, nếu sau khi kiểm tra không phát hiện có dấu hiệu gì đáng nghi ngờ", chủ một quầy trao đổi ngoại tệ của Ngân hàng Vietcombank trên đường Lê Lợi khẳng định.

Anh còn chứng minh cho người tiêu dùng bằng cách dán ngay trên mặt bàn của quầy một tờ giấy với dòng chữ lớn: "Vẫn thu mua trao đổi tờ 100 USD series CB". Theo chủ quầy, trong thời gian gần đây do dư luận đồn thổi nên người tiêu dùng cũng có phần đề phòng, nhưng giới kinh doanh ngoại tệ không có gì lo lắng.

Tại Hà Nội, các giao dịch có vẻ thận trọng hơn một chút, song nhìn chung vẫn tương đối ổn định. Anh Đỗ Quang Thắng, chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở số102 Hàng Bạc cho biết, mỗi khi khách nước ngoài trả bằng USD anh cũng xem xét cẩn thận hơn.

"Từ trước đến nay tôi vẫn dùng kinh nghiệm để nhận biết tiền thật, giả. Thường tiền thật bao giờ cũng cứng cáp và sắc nét hơn. Tôi chưa từng gặp phải tiền giả lần nào, song nghe nói đồng 100 USD series CB - B2 lần này rất khó phát hiện nên tôi cũng cảnh giác hơn", anh tâm sự.

Một nhân viên cửa hàng quần áo thời trang trên phố Hàng Bông cũng cho biết, những ngày này, "sếp" của chị lúc nào cũng quán triệt tinh thần cảnh giác cho nhân viên bán hàng. Chị tâm sự: "Vì chúng tôi kinh doanh ở khu vực trung tâm, có nhiều khách nước ngoài và cả khách VN tới mua hàng trả bằng USD. Chủ cửa hàng yêu cầu phải thật thận trọng mỗi khi nhận tiền USD, bất kể số series là bao nhiêu. Trong trường hợp có nghi ngờ thì phải báo ngay cho chủ, hoặc là không bán nữa".

Một số người tin rằng khả năng xuất hiện tiền giả ở VN là rất ít. Chị Dương Minh Thu, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở số 8 Đinh Liệt cho biết, cửa hàng chị thường có rất nhiều khách nước ngoài tới mua hàng, nhưng chưa lần nào chị nhận phải USD giả.

Theo chị, khách nước ngoài khi đến VN thường không mang theo tiền mặt, mà họ chỉ mang thẻ tín dụng, sau đó mới rút tiền mặt tại các ngân hàng ở VN. Vì thế, khả năng họ dùng tiền giả để mua hàng là rất ít. Tuy nhiên, từ 1 tuần nay, mỗi lần nhận USD của khách, chị đều nhìn kỹ số series và soi xét cẩn thận nhằm tránh rủi ro.

Những người cẩn thận hơn thì tuyên bố ngừng hẳn mọi giao dịch bằng đồng 100 USD có số series là CB - B2. Chị Nguyễn Tường Vi, chủ cửa hàng vàng Mỹ Lợi ở số 112 Hàng Bạc nói: "Từ khi Nhà nước thông báo có đồng USD trên, dù biết là ở VN chưa phát hiện trường hợp nào, chúng tôi vẫn kiên quyết không nhận đồng USD có số series như vậy. Lời lãi chẳng được bao nhiêu, nếu chẳng may là giả lại lỗ tới hơn 1 triệu đồng. Không những thế, nếu Nhà nước phát hiện có thể còn bị bắt giữ vì tội lưu hành tiền giả". Chị cho biết, một vài người bạn cùng kinh doanh trong nghề cũng dùng biện pháp như vậy.

Chị Vi kể, không ít người kinh doanh vàng trên phố Hàng Bạc từng bị khách hàng trả tiền USD giả. Tuy nhiên, đa số họ đều giấu để đảm bảo uy tín. Họ chỉ giữ lại đồng tiền đó để làm mẫu nhằm nâng cao cảnh giác và nhận diện tiền giả trong những lần giao dịch tiếp theo.

Theo VnExpress

Dòng sự kiện: USD siêu giả