Ngân hàng vẫn mua USD sêri CB bình thường

Chiều 20/4, ông Nguyễn Phước Thanh - giám đốc Ngân hàng (NH) Ngoại thương (VCB) TPHCM - cho biết không có chuyện dừng lưu hành tờ 100 USD sêri CB và nơi này vẫn tiếp tục mua vào bình thường vì không phải cứ sêri CB là giả và tỉ lệ giả đã phát hiện là rất ít.

Tại NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank), từ ba ngày qua mỗi ngày đã mua vào trên 2,5 triệu USD, gấp gần năm lần bình thường và 2/3 là USD sêri CB. Ông Nguyễn Gia Định, tổng giám đốc Eximbank, cho biết các NH nước ngoài tiêu thụ USD từ các NH trong nước đã có văn bản khẳng định vẫn mua USD sêri CB.

 

Trong ba ngày qua, trước thông tin USD sêri CB “siêu giả” xuất hiện ở Nam Mỹ, nhiều người có USD sêri CB đã vội bán. Hầu hết các đại lý thu đổi ngoại tệ, cửa hàng vàng nhân cơ hội này đã ép giá người bán, có nơi giảm giá đến 50.000 đồng/tờ 100 USD (tương đương 500 đồng/USD). 

 

Cụ thể chiều 20/4, một số người mua bán ngoại tệ tại khu vực Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi (Q.1, TPHCM) đã lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân về việc tiền loại 100 USD số sê-ri CB-B2 phát hành năm 2001 bị làm giả ở nước ngoài để ép giá mua loại USD này chỉ còn 15.500 đồng/USD (giá mua USD có sê-ri khác khoảng 15.840 đ/USD).

 

Trong ngày 19/4, VCB đã có thông báo cách nhận diện 100 USD siêu giả. Theo thông báo này thì tiền giả chủ yếu ở sêri CB, ngoài ra có một số ít mang sêri CA, CF. Trong đó "nguy cơ" cao hơn là tờ 100 USD sêri CB có chữ cái đặc trưng B2 nằm dưới dãy số sêri của tờ bạc. B2 là ký hiệu của NH Dự trữ bang New York nơi phát hành tờ bạc này. Tất cả các loại trên đều được phát hành năm 2001.

 

Theo Eximbank, thông tin USD siêu giả nêu trên đã có từ tháng... 7-2004 và nơi xuất hiện giả là ở châu Á, nay tin này được lặp lại và nơi xuất hiện là Nam Mỹ. Eximbank cũng đã phát hiện được nhưng tỉ lệ rất thấp, từ 500.000 thậm chí đến 1 triệu tờ USD sêri CB mới có một tờ giả.

 

Theo phòng ngân quĩ VCB, cuối năm 2004 cũng đã có phát hiện và cũng chỉ có vài tờ. Ông Nguyễn Phước Thanh cho biết gọi là siêu giả nhưng các tờ tiền giả này vẫn bị loại ra khi soi qua máy phát hiện tiền giả của NH.

 

Cách phân biệt USD "siêu giả" (của VCB)

- Phần chân dung Benjamin Franklin hơi bị bẩn đen ở viền xung quanh. Sự khác biệt sáng tối của ký hiệu bóng chìm không sắc nét như tờ tiền thật.

- Dòng chữ “THE UNITED STATES OF AMERICA” ở mặt trước được in bằng phương pháp in offset, sau đó dùng khuôn dập từ phía sau để tạo độ nổi giả in intaglio (in nổi như in chứng minh thư) dòng chữ này.

- Các họa tiết, màu sắc của dấu kho bạc (bên phải mặt trước tờ bạc) rất đẹp và chính xác, tuy nhiên lại được in bằng phương pháp in offset trong khi tiền thật được in bằng phương pháp in typo.

- Mặt sau của tờ bạc nếu quan sát kỹ hình ảnh đồi Độc Lập Pennsylvania có thể phát hiện một đường kẽ nhỏ sẫm màu ở phía trên cột đèn cao áp, trong khi tiền thật không có đặc điểm này. 

Thông tin và cách nhận diện USD siêu giả là do các NH nước ngoài thu thập, không có thông báo chính thức từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ và nơi này cũng không hề đưa ra thông báo tạm dừng lưu hành đồng tiền này.

 

Theo Eximbank, USD sêri CB mới được Cục Dự trữ liên bang Mỹ phát hành năm 2001 là loại tiền mới để thay thế dần loại sêri cũ vì thế khá nhiều người đang giữ tiền này. Tới đây NH cũng chi ra loại tiền này, vì vậy nếu tâm lý e ngại kéo dài sẽ gây thiệt thòi cho người giữ USD.

 

Nhiều NH cũng cho biết các NH nước ngoài vẫn giao dịch loại 100 USD sê-ri CB-B2 bình thường nên người dân không có gì phải lo lắng.

 

Theo Tuổi trẻ, Thanh niên

Dòng sự kiện: USD siêu giả