Gian nan "cuộc chiến" chống buôn lậu xăng dầu
(Dân trí) - Thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều vụ mua bán xăng dầu không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, vấn nạn này chưa có dấu hiệu chấm dứt mà vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Đêm 14/4/2019, trong lúc phối hợp tuần tra trên vùng biển Lý Sơn, lực lượng phòng chống tội phạm Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ngãi và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (Bộ Công an) phát hiện, bắt quả tang vụ sang chiết xăng dầu trái phép quy mô lớn.
Theo đó, tàu Pioneer Spirt do ông Kim Chong Hun (quốc tịch Hàn Quốc) làm thuyền trưởng đang sang chiết 2.200m3 xăng A95 sang tàu QNg 0350. Số xăng A95 này được xác định là không có hóa đơn, chứng từ. Một thời gian ngắn sau đó, BĐBP tỉnh Quảng Ngãi lại liên tục bắt thêm 4 vụ mua bán, vận chuyển xăng dầu trái phép trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất
Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện và bắt giữ trên 40 m3 dầu DO, khoảng 2.300 m3 xăng A92, A95 và Jet A1. Dù vậy, vấn nạn mua bán xăng dầu trái phép chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tình trạng này không chỉ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, mà còn ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên biển và khu vực biên giới biển của tỉnh.
Trung tá Lê Thành Trung - Phó trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Quảng Ngãi cho biết, lợi nhuận từ hoạt động buôn lậu xăng dầu khá cao, do đó nhiều đối tượng bất chấp quy định của pháp luật. Một số đối tượng hình thành các đường dây giao dịch mua bán, sang chiết trên biển và vận chuyển vào bờ tiêu thụ.
"Vùng biển của tỉnh Quảng Ngãi rộng, nhu cầu sử dụng xăng dầu của ngư dân khá cao. Do đó hoạt động mua bán xăng dầu trái phép cũng diễn biến phức tạp. Lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng bất chấp quy định để mua bán xăng dầu trái phép gây nên nhiều hệ lụy", Trung tá Trung nói.
Những đường dây mua bán xăng dầu trái phép có thủ đoạn tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng. Khi bị bắt giữ, chủ hàng bỏ mặc cho người vận chuyển chịu trách nhiệm, hoặc móc nối với cơ sở kinh doanh xăng dầu cung cấp nhiều loại hóa đơn, chứng từ nhằm hợp thức nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Những thủ đoạn và hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu thường xảy ra trên biển và địa bàn khu kinh tế Dung Quất.
Theo Đại úy Võ Quốc Vương - Phó đồn trưởng nghiệp vụ đồn Biên phòng Bình Thạnh, Bộ đội Biên Phòng Quảng Ngãi, việc mua bán giữa các đối tượng chủ yếu là liên lạc bằng điện thoại để thống nhất giá cả, địa điểm giao nhận. Còn hàng hóa sẽ được thuê bên thứ ba vận chuyển, đó đó công tác đấu tranh phòng chống của lực lượng Biên phòng hiện gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động buôn bán, vận chuyển xăng dầu trái phép đã và đang diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi. Do đó, Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi đã tuyên truyền, vận động nhân dân phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng, nhằm giữ vững an ninh, trật tự ở khu vực biên giới biển.
Quốc Triều