Gian nan con đường xin hoàn thuế
Trong nhiều cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp (DN) gần đây, Cục Thuế TPHCM luôn khẳng định thời gian hoàn thuế cho DN đã được thực hiện đúng như quy định. Thế nhưng khi trao đổi với chúng tôi, nhiều DN cho biết chuyện hoàn thuế chậm hầu như vẫn không chuyển biến bao nhiêu.
Bà Nguyễn Thị Ngọ - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Lê - cho biết: Công ty có số thuế GTGT nộp thừa khi nhập khẩu khoảng 400 triệu đồng trong khi số thuế phải nộp ở phần kinh doanh nội địa gần 3 tỉ đồng. Công ty đã liên lạc hỏi cơ quan thuế có cho phép DN được cấn trừ số thuế nộp thừa nói trên hay không. Do phải chờ cơ quan thuế trả lời dẫn đến công ty bị phạt 26 triệu đồng do chậm nộp thuế gần 1 tuần. Khoảng 1 tháng nay, công ty đang chờ cơ quan thuế hoàn số thuế GTGT khoảng 3,2 tỉ đồng, số tiền thuế này nếu đi vay ngân hàng 1 tháng phải mất khoảng 30 triệu đồng tiền lãi.
Phản hồi từ cơ quan thuế Ông Phạm Văn Huyến - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: "Sẽ trả lãi nếu cơ quan thuế có lỗi". Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế địa phương định kỳ thực hiện việc đối thoại với các DN theo quy chế Bộ Tài chính đã ban hành để kịp thời phát hiện các vướng mắc trong quá trình thực hiện các luật thuế, trong đó có vấn đề hoàn thuế GTGT để giải quyết kịp thời cho DN. Hiện nay, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu để ban hành quy định bồi thường thiệt hại (trả lãi) cho DN trong trường hợp đó là lỗi chủ quan của cơ quan thuế trong việc chậm giải quyết. Bà Nguyễn Thị Phương Dung - Cục trưởng Cục Thuế TPHCM: "Cần có nỗ lực từ cả hai phía" Phần lớn hồ sơ hoàn thuế đã được Cục Thuế giải quyết đúng hạn kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp thời gian xem xét hoàn thuế kéo dài. Nguyên nhân của việc chậm trễ này xuất phát từ cả hai phía. Về ngành thuế, việc ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý, xác minh hóa đơn còn trong phạm vi hẹp, chưa được nối mạng toàn quốc nên đa phần thực hiện thủ công. Mặt khác, cũng do tâm lý thận trọng của cán bộ thuế trước tình hình xử lý pháp luật các trường hợp chiếm đoạt tiền thuế qua hoàn thuế của một số DN. Trong khi cán bộ thuế vừa phải đảm bảo nhiệm vụ quản lý thu nộp ngân sách nhà nước của trên 40.000 DN đang hoạt động, vừa phải xem xét giải quyết hoàn thuế nên khó tránh khỏi một số trường hợp giải quyết chậm trễ. Còn về phía DN, hồ sơ hoàn thuế thiết lập chưa đúng, chưa đủ phải giải trình, bổ sung nhiều lần. Số liệu kê khai hoàn thuế không phù hợp với tờ khai thuế, dữ liệu lưu trữ... |
Công ty May xuất khẩu Việt Vương cũng lâm vào cảnh "dở khóc dở cười". Với quy mô doanh thu khoảng 400 tỉ đồng/năm, mỗi quý công ty phải làm một số hồ sơ xin hoàn thuế GTGT khoảng 1,5 tỉ đồng.
Giám đốc Công ty Việt Vương cho biết thời gian giải quyết hoàn thuế kéo dài 6 - 7 tháng là chuyện thường. Hiện công ty vẫn còn một số hồ sơ xin hoàn thuế nộp ở Cục Thuế TPHCM từ cuối năm 2004 đến nay vẫn chưa giải quyết được. Rắc rối xảy ra từ một bộ hồ sơ xin hoàn thuế trị giá 30 triệu đồng có hóa đơn đầu vào do một công ty đã ngưng hoạt động phát hành.
Và thế là không chỉ hồ sơ này bị treo lại mà hàng loạt hồ sơ khác đang xin hoàn thuế của công ty cũng bị "ách" lại. Ông Giám đốc Công ty Việt Vương bức xúc: "Mình làm tốt nhưng làm sao lường hết được mọi thứ. Trường hợp đối tác ngừng kinh doanh đã ngoài tầm kiểm soát của mình".
Công ty đã xin rút bộ hồ sơ đó về để tự giải quyết và đề nghị cơ quan thuế xem xét hoàn thuế cho những bộ hồ sơ còn lại. Sau gần cả tháng trời, nhân viên kế toán đi lại hàng chục lần mới được Cục Thuế cho rút bộ hồ sơ này về. Theo ông giám đốc công ty, 5 tháng qua ông phải trả trên 50 triệu đồng tiền lãi vay ngân hàng cho 1,5 tỉ đồng tiền thuế mà công ty ông chầu chực xin được hoàn.
Hiện cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế theo quy trình như sau: đầu tiên, bộ phận xử lý thông tin tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế của DN rồi đóng dấu ngày nhận, khâu này không thẩm định xem hồ sơ có hoàn chỉnh hay chưa. Sau đó hồ sơ sẽ được chuyển cho Phòng Quản lý doanh nghiệp.
Lúc này, nhân viên Phòng Quản lý doanh nghiệp sẽ xem xét hồ sơ nếu có thiếu sót thì yêu cầu DN bổ sung, kiểm tra đối chiếu hóa đơn, tờ khai thuế...; nếu nghi ngờ thì chuyển cho Thanh tra cơ quan thuế. Khi hồ sơ đã hoàn chỉnh thì đưa lên Phó cục trưởng Cục Thuế ký quyết định hoàn thuế và hồ sơ sẽ được trả về Phòng Quản lý doanh nghiệp để đưa lại cho DN.
Theo quy định, cơ quan thuế sẽ ra quyết định hoàn thuế trong 15 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ và sau 60 ngày đối với các hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau.
Bà Nguyễn Thị Ngọ cho rằng: "Điều bất hợp lý là cơ chế đã cho phép DN được quyền tự tính toán, tự quyết toán thuế và tự nộp thuế thì tại sao DN nộp thừa thuế rồi lại không được phép tự cân đối để không phải nộp thêm tiền thuế. Ngày hôm trước DN đi đóng thuế thì ngày hôm sau DN phải đi làm thủ tục hoàn thuế, trong khi hoàn thuế đâu phải dễ, nộp hồ sơ xong không biết bao giờ mới được nhận tiền. Bản thân cán bộ thuế cũng muốn làm nhanh nhưng với những bộ hồ sơ dày thì sao làm nổi. Chỉ tính riêng 3 hồ sơ hoàn thuế của chúng tôi mỗi tập đã dày khoảng 100 trang. Cách đây 3 năm, chúng tôi cũng đã có kiến nghị với Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Ngọc Tuấn về việc sao trong thời đại bùng nổ thông tin như thế này mà cơ quan thuế và hải quan vẫn chưa nối mạng để đỡ khổ cho DN. Giả sử hai cơ quan này nối mạng thì thuế GTGT đầu ra, đầu vào của một lô hàng được DN có thể cấn trừ và cơ quan thuế không phải mất thời gian để xác minh hóa đơn chứng từ. Do đó, đồng vốn của DN sẽ quay vòng nhanh hơn".
Cơ quan thuế gần đây đã có nhiều cải cách thủ tục, tạo nhiều thuận lợi cho DN. Tuy nhiên điều cấp bách đối với DN là cơ quan thuế cần đẩy mạnh hơn việc cải cách thủ tục hoàn thuế cho DN. Các DN cũng đề nghị cơ quan thuế có thể công khai việc hồ sơ hoàn thuế đã được giải quyết đến đâu trên website của Cục Thuế để DN có thể theo dõi.
Xin hoàn thuế ở cơ quan hải quan cũng không dễ
"Được hoàn thuế rồi", anh T., Giám đốc một doanh nghiệp (DN) chuyên nhập khẩu hàng hóa đã vui mừng thông báo với chúng tôi ngày 20/5 vừa qua. Như vậy là sau gần 3 tháng, khoản tiền thuế xin được hoàn 100 triệu đồng của anh mới được Hải quan TPHCM giải quyết.
Câu chuyện xin hoàn thuế của anh như sau: mặt hàng thảm nhập khẩu đã được giảm thuế nhập khẩu từ 60% xuống còn 12%. Văn bản của Bộ Tài chính đã rành rành nhưng đến hải quan thì cán bộ lắc đầu bảo là công báo chưa đăng... Do vậy khi nhập hàng về, anh T. phải đóng thuế nhập khẩu với thuế suất 60% sau đó làm thủ tục xin hoàn thuế. Có vậy thôi nhưng vẫn phải chờ đợi gần 3 tháng.
Một DN khác bị phạt vi phạm hành chính tại Hải quan khu vực 1 với số tiền phạt là 7,5 triệu đồng. Sau khi đóng phạt, DN này khiếu nại thì được Cục Hải quan TPHCM điều chỉnh mức phạt xuống còn 5 triệu đồng. Theo hướng dẫn, DN lại phải đóng 5 triệu đồng tiền phạt theo quyết định điều chỉnh mới này rồi sau đó mới làm thủ tục nhận lại 7,5 triệu đồng tiền phạt nộp trước đây.
Thế nhưng, sau nhiều lần đi lại DN này vẫn không được trả lại 7,5 triệu đồng kia. "Như vậy, thay vì bị nộp phạt 5 triệu đồng bây giờ chúng tôi phải chịu phạt đến 12,5 triệu đồng vì lý do khiếu nại?", chủ DN than thở.
Tại cuộc gặp giữa DN với lãnh đạo UBND TPHCM và cuộc gặp giữa DN với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam gần đây để chuẩn bị cho cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ sắp tới, đa số các DN đều than thở việc hoàn thuế của cơ quan chức năng quá chậm.
Theo Thanh niên